Địa phương lo triển khai dạy học lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới
Theo phản ảnh từ nhiều địa phương, khó khăn lớn nhất hiện nay để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên.
Sáng 20.5, tại TPHCM, Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) đã tổ chức hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo Hướng dẫn dạy học lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu từ năm học 2020-2021. Hội thảo có sự tham dự của đại diện Sở GD-ĐT 32 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
TS Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) chủ trì hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, TS Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho biết, so với chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, chương trình giáo dục phổ thông mới ít môn học hơn do thực hiện chủ trương tích hợp cao ở các lớp dưới. Tuy nhiên, trong chương trình mới có thêm 2 môn học mới là Ngoại ngữ 1, Tin học và công nghệ. Ngoài ra, do được thiết kế theo chương trình học 2 buổi/ngày nên số tiết học trong một năm học đều tăng lên.
Cụ thể, đối với lớp 1, 2, chương trình cũ có 10 môn học với thời lượng 23 tiết/tuần thì chương trình mới có 7 môn học và 1 hoạt động bắt buộc, số tiết học bình quân trên tuần là 25. Đối với khối 3, chương trình cũ bao gồm 10 môn và 24 tiết/tuần trong khi chương trình mới có 8 môn học và 1 hoạt động bắt buộc, số tiết bình quân trên tuần là 28 tiết.
Riêng đối với khối 4, 5, chương trình cũ có 11 môn học và 26 tiết/tuần, khi triển khai chương trình mới chỉ còn 10 môn học và một hoạt động bắt buộc, số tiết bình quân trên tuần là 30 tiết.
Mục tiêu của hoạt động dạy học 2 buổi/ngày là tăng cường giáo dục toàn diện cho học sinh, đặc biệt là tăng cường các hoạt động thực hành, rèn luyện thân thể, sinh hoạt văn hóa - nghệ thuật, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, hạn chế tình trạng dạy thêm học thêm, giảm áp lực học tập và góp phần giảm tải trong việc tổ chức thực hiện chương trình.
Tuy nhiên, theo phản ảnh từ nhiều địa phương, khó khăn lớn nhất hiện nay để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên.
Bà Huỳnh Thị Kim Trang, Phó trưởng Phòng giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, hiện nay, mới có 70,6% học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố được học 2 buổi/ngày, tỷ lệ 0,9 phòng học/lớp. So với năm học 2017-2018, năm học 2018-2019 toàn thành phố đã tăng thêm 42.613 học sinh tiểu học.
Chính việc tăng dân số cơ học tạo áp lực lớn về cơ sở vật chất, khó thực hiện việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, đặc biệt ở một số quận, huyện có tỷ lệ dân nhập cư cao như Bình Tân, Thủ Đức, Gò Vấp, quận 12...
Tương tự, tại tỉnh Đồng Nai, ông Võ Văn Minh, Trưởng phòng GD-ĐT TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai thông tin, toàn tỉnh mới có 36,5% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày, trong đó TP Biên Hòa hiện có tỷ lệ rất thấp với 11,9%.
Hàng năm, toàn tỉnh tăng thêm từ 4.000-5.000 học sinh tiểu học, sĩ số bình quân hiện nay đang phải duy trì ở mức cao với 42,8 học sinh/lớp. Dù công tác xây dựng trường lớp được tăng cường đẩy mạnh nhưng mới đáp ứng nhu cầu học tập cơ bản của người dân.
Bên cạnh đó, hiện nay cả nước có gần 400.000 giáo viên tiểu học, trong đó tỷ lệ giáo viên biên chế gần 85%. Khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó có thêm 2 môn bắt buộc là tiếng Anh và tin học sẽ tạo nên thách thức không nhỏ cho các địa phương trong vấn đề tuyển dụng và bổ sung thêm nhân sự, nhất là trong tình hình tinh giản biên chế hiện nay.
Riêng về việc bổ sung thêm nội dung giáo dục của địa phương trong chương trình giáo dục phổ thông mới, GS Nguyễn Minh Thuyết, tổng chủ biên chương trình cho biết, việc thực hiện nội dung này sẽ mang tính mở.
Cụ thể, mở cả về thời lượng, nội dung lẫn kiểm tra, đánh giá. Nếu như ở hai bậc THCS và THPT, nội dung này được xem như một môn học, triển khai trên địa bàn rộng cấp tỉnh, thành phố thì ở bậc tiểu học, nội dung này không triển khai độc lập mà sẽ tích hợp trong các hoạt động trải nghiệm và môn học khác.
Theo THU TÂM (SGGP)