NGÀY ĐẦU TIÊN KỲ HỌP QUỐC HỘI THỨ 7:
Đề nghị xem xét nhiều vấn đề của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung
(BĐ) - Ngày 20.5, Quốc hội khai mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.
Trong buổi sáng, các báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV; kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã được trình bày trước Quốc hội.
ĐBQH Nguyễn Hữu Đức thảo luận về Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Chiều cùng ngày, đồng chí Bộ trưởng Bộ Công Thương trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của hai luật này. Bộ trưởng Bộ Tài chính trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.
Nửa cuối chiều 20.5, Đoàn ĐBQH Bình Định cùng với Đoàn ĐBQH hai tỉnh Tuyên Quang và Đồng Nai (thuộc Tổ ĐBQH số 9) đã cùng thảo luận tổ về Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ.
Về Luật Kinh doanh bảo hiểm, ĐBQH Nguyễn Hữu Đức thống nhất sửa đổi để đảm bảo lộ trình của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); tạo hành lang pháp lý trong nâng cao hoạt động dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Tuy nhiên, ông đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, bổ sung các điều khoản sao cho chi tiết, cụ thể hơn, đặc biệt là các quy định về giao dịch dân sự, ngành nghề kinh doanh có điều kiện... Ông Đức cũng boăn khoăn về khái niệm dịch vụ phụ trợ bảo hiểm và các loại hình dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Luật Kinh doanh bảo hiểm khi ban hành chưa định nghĩa về thuật ngữ “kinh doanh bảo hiểm”, nên khi xác định dịch vụ phụ trợ bảo hiểm là bộ phận cấu thành của kinh doanh bảo hiểm thì chưa rõ nội hàm của thuật ngữ này và cũng chưa rõ mối quan hệ giữa ngành dịch vụ phụ trợ bảo hiểm với ngành khác trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm theo khái niệm của Hiệp định CPTPP.
Đoàn ĐBQH Bình Định tại buổi khai mạc kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV.
Về quyền và điều kiện đối với cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, đề nghị rà soát, chỉnh sửa nhằm đảm bảo đầy đủ các loại hình tổ chức dịch vụ phụ trợ được cung cấp dịch vụ. Đồng thời, cần bổ sung đối với phạm vi và nghiệp vụ giám sát đối với tổ chức cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Đề nghị ban soạn thảo làm rõ về hướng “hậu kiểm” trong quản lý, giám sát với dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.
Về thời hạn một năm kể từ ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực, cá nhân, tổ chức đang cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải đáp ứng các quy định về điều kiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, ĐBQH Nguyễn Hữu Đức đặt câu hỏi về cơ sở đưa ra quy định này vì theo ông cần tạo điều kiện, khuyến khích các cá nhân, tổ chức phát triển dịch vụ.
Tham gia thảo luận về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ, ĐBQH Lê Công Nhường đề nghị đánh giá lại mức độ thiệt hại của doanh nghiệp Việt Nam khi thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi lần này để đảm bảo tính cạnh tranh giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài. Theo ông, Bộ KH&CN cần nâng cao năng lực xử lý đơn đăng ký sở hữu trí tuệ của Cục Sở hữu trí tuệ bởi mức độ xử lý đơn hiện dưới 80% số lượng đơn.
NGUYỄN MUỘI