Công tác phòng, chống tội phạm ma túy: Cần giải pháp căn cơ
Những năm gần đây, tình hình mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Tại buổi làm việc giữa CA tỉnh với Đoàn giám sát của HÐND tỉnh diễn ra ngày 20.5, các đại biểu đã chỉ rõ những bất cập và đưa ra một số giải pháp cụ thể nhằm phòng, chống tội phạm ma túy hiệu quả hơn.
Quang cảnh hội nghị.
Theo đánh giá của CA tỉnh, hiện toàn tỉnh có 60/159 xã, phường, thị trấn có người nghiện ma túy. Việc mua bán, sử dụng ma túy có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Cụ thể trong 2 năm 2017 - 2018, toàn tỉnh đã phát hiện và khởi tố 72 vụ, thu giữ hơn 547,9 g methamphetamine, 319,1 g ketamine, gần 7,5 g heroin và 1.184,5 viên thuốc lắc. Riêng từ đầu năm đến nay, đã bắt và khởi tố 19 vụ/29 bị can, thu giữ hơn 99 g methamphetamine, 30,75 g ketamine, gần 87,8 g thuốc lắc và 0,9 g heroin. So với cùng kỳ tăng 6 vụ/10 đối tượng, số lượng ma túy các loại thu giữ được cũng tăng. Đại tá Nguyễn An Ninh, Phó Giám đốc CA tỉnh, nhận xét: “Tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp trong thanh thiếu niên gia tăng. Việc sử dụng các chất kích thích mới ngày một phổ biến và đang lan rộng đến các địa bàn nông thôn”.
Không chỉ gia tăng về đối tượng và số lượng ma túy, thủ đoạn của tội phạm này ngày càng tinh vi, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc phát hiện, bắt giữ và xử lý. Điển hình như đối tượng Châu Thị Hồng Loan (SN 1987, phường Quang Trung, TP Quy Nhơn). Tuy là nữ nhưng Loan chạy xe rất nhanh, mỗi lần đi giao hàng cho các đối tượng nghiện, Loan đều chạy xe máy qua nhiều tuyến đường hòng qua mặt cơ quan chức năng. Còn đối tượng Phạm Thị Ngọc Oanh (SN 1986, trú xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) thường chọn vùng nông thôn với những khu đất trống để mua bán ma túy; liên tục thay đổi địa điểm và không giao hàng trực tiếp hòng qua mặt cơ quan chức năng.
Nhận định rõ tính chất và mức độ của tội phạm ma túy, tại buổi làm việc, các đại biểu đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, nhất là việc xác định tình trạng nghiện cũng như những giải pháp cụ thể để phòng, chống tội phạm ma túy. Ông Phạm Hồng Sơn, Trưởng đoàn giám sát của HĐND tỉnh cho rằng, Ban chỉ đạo 138 tỉnh cần phát huy vai trò của mình. Vì những bất cập, vướng mắc hiện nay trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy phát sinh từ khi Nghị định 111/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn và Nghị định 221/2013/NĐ-CP yêu cầu thẩm quyền xét nghiệm là y sĩ, bác sĩ có chứng chỉ hành nghề và phải qua khóa tập huấn về cai nghiện tại cộng đồng có hiệu lực thi hành (năm 2014). Điều này là khó khả thi. Song đến nay, các ngành liên quan vẫn chưa có cuộc họp nào để cùng ngồi lại tìm giải pháp tháo gỡ. Đoàn sẽ tham mưu cho lãnh đạo tỉnh sớm triển khai hội nghị về vấn đề này.
Còn đại tá Ninh cho rằng, tình trạng nghiện ma túy sẽ gây ra hậu quả rất nặng nề. Đây là nguyên nhân dẫn đến nhiều loại tội phạm và tệ nạn xã hội. Song trách nhiệm cụ thể của từng đơn vị trong việc xác định tình trạng nghiện hiện có nhiều lỗ hổng. Như việc giữ đối tượng nghiện trong thời gian 72 giờ để xác định tình trạng nghiện, nhưng lại không quy định ai chịu trách nhiệm giữ, giám định cũng như nơi giữ. “Với chức năng của mình, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp nghiệp vụ. Tuy nhiên, cũng cần có một cuộc họp để thống nhất quy định phối hợp giữa các ngành liên quan như tư pháp, y tế, chính quyền địa phương cũng như CA, tòa án để thẩm định hồ sơ và đưa đối tượng đi cai nghiện cho đảm bảo. Hiện CA đang triển khai dự thảo giao CA phường, xã phát hiện người nghiện thì chịu trách nhiệm xác lập hồ sơ về đối tượng nghiện. Và phải để Sở Y tế xác định tình trạng nghiện và đề xuất mượn cơ sở trung tâm cai nghiện của tỉnh để giữ người”, đại tá Ninh cho biết thêm.
K. ANH