Trâu, lợn và đà điểu… sẽ thay thế động vật hoang dã trên sân khấu xiếc
Trong chương trình xiếc mới dành cho thiếu nhi nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1.6 tới, Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết sẽ đưa trâu, lợn, đà điểu… lên sâu khấu và đây là một bước trong lộ trình dần đưa xiếc thú dữ ra khỏi chương trình biểu diễn trong thời gian tới.
Trâu cũng sẽ được dậy dỗ thuần hóa để đưa lên sân khấu xiếc
Ông Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn xiếc Việt Nam cho biết, hiện Liên đoàn xiếc đang đưa vật nuôi vào xiếc thay thế dần động vật hoang dã và đã cho ra mắt những vở diễn có sự tham gia của những vật nuôi tưởng chừng như không thể diễn được như trâu, gà, mèo, lợn...
Trong chương trình xiếc mới “Cuộc phiêu lưu của chú Tễu” được biểu diễn từ ngày 25.5 đến ngày 2.6 tại Rạp xiếc Trung ương, nhiều động vật nuôi sẽ được thay thế.
Trả lời những lo lắng về việc liệu trâu, lợn, đà điểu… có đủ thông minh để tiếp thu những kỹ năng con người truyền đạt cho trong các tiết mục biểu diễn hay không, NSƯT Tống Toàn Thắng- người có thâm niên nhiều năm trong việc dạy thú cho biết: "Loài nào để huấn luyện cũng khó khăn. Mỗi con vật muốn biểu diễn được trên sân khấu phải mất ít nhất 2 năm huấn luyện và có những con vật tưởng chừng như không diễn được nhưng vẫn diễn được trên sân khấu, ví dụ như con lợn. Có người nói "ngu như lợn", "lười như lợn", nhưng trên sân khấu lợn vẫn biểu diễn được, đó là cách giáo dục rất nhân văn đối với các bạn nhỏ. Những con vật như lợn, trâu, đà điểu… tưởng chừng chỉ là nguồn thực phẩm cho con người thôi nhưng nó gần gũi con người, được thuần hóa, dạy dỗ và cũng có những phản xạ thông minh”.
Thay vì xem gấu, sư tử... khán giả đến sân khấu tròn có thể xem xiếc lợn
Tuy nhiên, ông Tạ Duy Ánh cũng cho biết, việc chuyển đổi từ động vật hoang dã sang thú nuôi cần có lộ trình. Hiện nay Liên đoàn xiếc có hơn 40 nhân sự huấn luyện các loại động vật hoang dã, nếu dừng ngay việc sử dụng động vật hoang dã thì chưa thể bố trí công việc mới cho những người này.
Nghệ sĩ Tạ Duy Ánh chia sẻ thêm: "Chúng tôi có cam kết sẽ không tiếp tục đầu tư, mở rộng việc đào tạo thú hoang dã nhưng với các cá thể thú đang thuộc Liên đoàn biểu diễn thì vẫn khai thác biểu diễn. Nếu con thú hoang dã đã già thì sẽ chuyển đến những nơi nuôi dưỡng mới, còn người nuôi dạy thú dần dần đổi sang nuôi dạy các loại thú nuôi khác".
Theo MAI AN (SGGPO)