Vui tiếng cồng chiêng mới
Ðề án Hỗ trợ cồng chiêng cho đồng bào dân tộc thiểu số do Ban Dân tộc tỉnh thực hiện vừa hoàn tất. Sau 2 năm trao tặng, 119 thôn, làng của 6 huyện: Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão, Hoài Ân, Tây Sơn và Phù Cát đã rộn vang niềm vui của người dân, của âm vang tiếng cồng, tiếng chiêng.
Niềm vui cho các thôn, làng
Tầm 1, 2 năm trước, được dịp đi cùng các đoàn khảo sát của Ban Dân tộc, Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh), tôi được nghe nhiều bà con tâm tư về nguy cơ mai một bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó thiếu cồng chiêng cũng là một trong những nguyên nhân. Nghệ nhân Lê Văn Ru (huyện Vân Canh) cho biết: Có rất ít làng còn giữ được cồng, chiêng, nếu còn cũng không trọn bộ nên mỗi lần có lễ hội gì đều phải gom mượn, may ra mới thành.
Biểu diễn mừng cồng chiêng mới tại huyện Vĩnh Thạnh.
Nắm bắt được tâm tư ấy, năm 2017, Ban Dân tộc tỉnh triển khai Đề án Hỗ trợ cồng chiêng cho đồng bào dân tộc thiểu số với hy vọng, đồng bào sẽ thêm trân trọng di sản văn hóa của dân tộc mình, điều kiện lưu giữ, phát huy cồng chiêng sẽ tốt hơn. Quả thật, có được trực tiếp tham gia lễ trao tặng cồng chiêng mới cảm nhận được trọn vẹn niềm vui của đồng bào khi tiếp nhận quà tặng mà nhiều người già có uy tín cao nhiều lần nhắc đi nhắc lại với tôi - đây là món quà quý giá của Đảng - Nhà nước. Tại lễ trao tặng, gần như ai cũng muốn được tự mình xoa tay vào cồng, chiêng để cảm nhận từng điểm chạm, tự mình thẩm âm và cái vui là ai cũng rạng ngời tâm đắc...
Ông Đinh Văn Rốt (Trưởng thôn 3, xã An Trung, huyện An Lão) chia sẻ: Bà con thôn chúng tôi rất vui mừng, chúng tôi sẽ truyền đạt lại cho thế hệ con cháu không bỏ nếp văn hóa cổ truyền của người H’rê. Cùng với đó, chúng tôi cùng đội ngũ nghệ nhân sẽ đánh cồng chiêng phục vụ cho dân làng mỗi dịp lễ tết để không khí thêm sôi nổi, động viên bà con làm ăn tốt hơn.
Già làng Đinh Sinh (ở làng T2, xã Bok Tới, huyện Hoài Ân) vui vẻ khoe: Thêm 1 bộ cồng chiêng của tỉnh tặng là làng tôi hiện có 3 bộ, đủ để luyện tập cho thanh niên và phục vụ sinh hoạt cho làng, ai cũng vui!
Cùng gìn giữ, cùng phát huy
Ông Trần Quốc Lại, Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh, chia sẻ: Dù cùng trao tặng cồng chiêng nhưng mỗi dân tộc, mỗi địa phương có đặc tính, số lượng cồng, chiêng trong mỗi bộ lại khác nhau, thậm chí cùng một dân tộc nhưng ở 2 thôn khác nhau thì âm vực chuẩn của mỗi thôn cũng khác. Do vậy, để trao tặng đến tay người dân những bộ cồng chiêng nghe ưng cái tai, ưng cái bụng nhất, chúng tôi phải nhờ vào sự giúp đỡ của nghệ nhân, sự hợp tác của nhà thầu... Ở tỉnh ta, do cả 3 dân tộc đều có nguyện vọng, nhu cầu về kỹ thuật tinh chỉnh âm, sửa cồng chiêng, nên với trách nhiệm là Trưởng Ban Dân tộc tôi sẽ đề xuất, kiến nghị với tỉnh về việc mở lớp đào tạo chỉnh sửa cồng chiêng cho các nghệ nhân.
Cùng với liên hoan cồng chiêng sẽ tổ chức vào tháng 9.2019 nhằm tạo động lực cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số luyện tập, truyền dạy văn hóa cồng chiêng, các huyện cũng đã lên phương án gìn giữ phát huy các giá trị của văn hóa cồng chiêng. Là huyện bảo tồn cồng chiêng khá tốt, huyện Vĩnh Thạnh xây dựng ý tưởng đem cồng chiêng vào phục vụ du lịch đồng thời giúp cồng chiêng có điều kiện được phát huy tốt hơn.
Là huyện cuối cùng hòa cùng niềm vui trao nhận cồng chiêng, ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, cho biết: Huyện sẽ tổ chức bồi dưỡng kỹ thuật đánh cồng chiêng cho các thôn, xã, đồng thời xem xét bổ sung biểu diễn cồng chiêng vào các nội dung thi đấu tại các lễ hội văn hóa - thể thao của huyện; tổ chức liên hoan cồng chiêng cấp huyện để tạo không khí, không gian sinh hoạt văn hóa cho đồng bào. Tôi mong các bác, các chú nghệ nhân cồng chiêng của huyện hãy vì lòng yêu bản sắc văn hóa của dân tộc mình mà tiến hành truyền thụ cho các thế hệ trẻ của dân tộc mình, thôn xóm mình để phát huy hơn nữa giá trị văn hóa cồng chiêng hết sức quý báu của dân tộc.
THẢO KHUY