Bảo vệ đa dạng sinh học vì tương lai của chúng ta
Suy thoái đa dạng sinh học (ĐDSH) đã tác động không nhỏ đến việc cung cấp thực phẩm và sức khỏe của con người. Vì vậy, chủ đề của Ngày quốc tế ĐDSH 2019 được LHQ xác định: “Đa dạng sinh học của chúng ta, thực phẩm của chúng ta, sức khỏe của chúng ta”…
Theo thống kê, trong 100 năm qua, hơn 90% các giống cây trồng đã biến mất khỏi các cánh đồng, các trang trại. Một nửa số giống vật nuôi đã bị mất. Hiện nay, tại tất cả các ngư trường chính trên thế giới, các loài thủy sản đang bị đánh bắt ở mức tới hạn và nhiều loài không đảm bảo sự phát triển bền vững; sự suy giảm ĐDSH nông nghiệp cũng như kiến thức về y học cổ truyền và thực phẩm địa phương ngày càng tăng và lan rộng trên toàn cầu. Việc mất chế độ ăn uống đa dạng có liên quan trực tiếp đến các bệnh hoặc tăng các yếu tố nguy cơ có hại cho sức khỏe…
Biểu trưng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học 2019.
Theo ông Huỳnh Quang Vịnh, Phó Giám đốc Sở TN&MT, Việt Nam được đánh giá là 1 trong 16 quốc gia có tính ĐDSH cao trên thế giới, với 3.830 loài cây dược liệu dùng làm thuốc, chiếm khoảng 36% trong số 10.500 loài thực vật bậc cao có mạch đã biết.… Tuy nhiên, hiện nguồn tài nguyên ĐDSH của Việt Nam đã và đang bị suy giảm. Nhiều hệ sinh thái và môi trường sống bị thu hẹp diện tích và nhiều loài đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng trong một tương lai gần.
Đối với Bình Định, theo Th.S Hà Thị Thanh Hương, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, tỉnh ta có tiềm năng lớn về ĐDSH. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường, tác động của biến đổi khí hậu cùng với vấn nạn khai thác, đánh bắt, hủy diệt hệ sinh thái đã gây nên nguy cơ suy giảm ĐDSH. Theo đó, trước năm 1975, đầm Thị Nại có hơn 1.000 ha rừng ngập mặn và 200 ha thảm cỏ biển thì đến nay diện tích rừng ngập mặn chỉ còn trên 95 ha; năng suất khai thác tự nhiên của đầm cũng giảm sút nghiêm trọng, nhuyễn thể giảm 67%, tôm giảm trên 65%, cá giảm 47%, ghẹ - cua giảm 25%… Bình Định có 159 loài thực vật bị đe dọa ở mức quốc gia; quần thể các loài thực vật trên địa bàn đang bị suy giảm, nhiều loài đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.
Hưởng ứng thông điệp của LHQ, cả nước sẽ diễn ra nhiều hoạt động, như: Phát động các phong trào bảo tồn ĐDSH; sử dụng hợp lý và tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên; thực hiện tiêu dùng xanh, thân thiện với môi trường và chế độ ăn uống lành mạnh… Đối với Bình Định, theo bà Hà Thị Thanh Hương, từ lâu công tác bảo tồn, phát huy ĐDSH đã được quan tâm, chỉ đạo, triển khai thực hiện. Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường đến năm 2020 và tầm nhìn 2030”, qua đó xác định: “Khắc phục suy thoái, cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH; kết hợp giữa đầu tư của Nhà nước với huy động nguồn lực xã hội và kết hợp giữa công nghệ hiện đại và các phương pháp truyền thống”.
Đồng thời, HĐND tỉnh cũng ban hành Nghị quyết số 94/2017 thông qua Quy hoạch bảo tồn ĐDSH tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, qua đó xác định mục tiêu: Đến năm 2025 sẽ hoàn thành xây dựng các khu vực, như: Khu dự trữ thiên nhiên An Toàn (huyện An Lão); Khu dự trữ thiên nhiên quy mô cấp tỉnh (khu Cồn Chim, đầm Thị Nại); Khu bảo tồn loài sinh cảnh quy mô cấp tỉnh (đầm Trà Ổ)… Đến năm 2030, sẽ mở rộng, nâng cấp Khu dự trữ thiên nhiên An Toàn lên quy mô cấp quốc gia với tổng diện tích được quy hoạch là 26.050 ha.
VIẾT HIỀN