Nạn cân gian ở các chợ
Nạn sử dụng cân lệch chuẩn là chuyện xảy ra hàng ngày ở các chợ, các quầy mua bán lẻ; người bán hàng với cách này đã thu lợi nhuận bất chính, còn người tiêu dùng (NTD) thì bị móc túi trong ấm ức, nhưng phải đành chấp nhận.
Chị Nguyễn Gia Hân (ở đường Lý Thái Tổ, TP Quy Nhơn), bộc bạch: “Mua các loại hàng như thịt, cá, rau, củ, quả ở các chợ bị cân thiếu là chuyện bình thường. Hôm trước, tôi mua 1kg cá, về cân lại chỉ còn 9 lạng, ấy là ít; việc mua 1kg về nhà cân lại chỉ còn 7-8 lạng là không hiếm. Những người bán như thế, lần sau khách hàng chẳng bao giờ dám ghé lại”.
Cân thiếu hay đủ quan trọng là ở người bán chứ không phải cái cân. Mua cái cân chính xác rất dễ. Nhưng cái cân chỉ là công cụ, nếu người bán cố ý gian lận để trục lợi thì chất lượng cái cân trở thành vô nghĩa. Tình trạng cân gian, bán lận đang trở nên khá phổ biến ở nhiều nơi.
Được biết, để xử lý tình trạng cân gian, từ năm 2005-2009, Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng tỉnh giao Ban quản lý các chợ ở huyện, thành phố lắp đặt cân đối chứng để khách hàng kiểm tra. Tuy nhiên, hiện nay cân đối chứng hầu như không còn tồn tại, hoặc nếu có cũng đã cũ kỹ và khách hàng không còn “mặn mà” với nó; do ít người biết đến loại cân này và không có thói quen đến để cân lại hàng hóa đã mua.
Ông Lê Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng tỉnh, cho biết: “Theo định kỳ, Chi cục vẫn thường xuyên phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường và Thanh tra đi kiểm định, kiểm tra các hộ kinh doanh có đăng ký. Còn việc quản lý, xử lý các cân đo của các hộ kinh doanh lẻ tẻ ngoài chợ và những người bán hàng rong là điều không thể”.
ĐÌNH PHÙNG