Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận tổ về tình hình KT-XH
Sáng 22.5, Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia buổi thảo luận tổ về vấn đề đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017. PV báo Bình Định lược ghi các ý kiến đóng góp của các đại biểu xung quanh vấn đề này.
Đoàn ĐBQH tỉnh cơ bản thống nhất báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế của Quốc hội. Năm 2018, 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao đều đạt và vượt. Đoàn cũng cho rằng nội dung các báo cáo được Chính phủ xây dựng, đánh giá hết sức chi tiết, phân tích sâu sắc những mặt đạt được cũng như tồn tại, hạn chế trong chỉ đạo, điều hành phát triển KT-XH của đất nước.
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn: Trung ương cần sớm xây dựng, thông qua quy hoạch quốc gia…
Tăng trưởng kinh tế năm 2018 của cả nước đạt 7,08%, đây là điều hết sức đáng mừng. Nhưng nếu so với những tháng đầu năm 2018, thì tăng trưởng kinh tế những tháng đầu năm 2019 có phần thấp hơn. Điều này xuất phát từ nhiều yếu tố.
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn góp ý tại phiên thảo luận tổ về tình hình KT-XH sáng 22.5.
Đầu tiên phải đề cập là những tháng đầu năm 2019, tỉ lệ DN tham gia vào các hoạt động phát triển KT-XH tại các tỉnh, thành trong cả nước so với thời điểm cùng kỳ năm 2018 có phần hạn chế hơn. Hơn nữa, đầu tư công còn khiêm tốn, thể hiện ở việc giải ngân chậm trong khi nhu cầu đầu tư cao, khiến một số dự án, công trình chậm thực hiện. Ngoài ra, việc phát huy các lợi thế của các địa phương trong cả nước để góp phần tăng trưởng chung nền kinh tế cũng có phần hạn chế.
Thời gian tới, Trung ương cần sớm xây dựng, thông qua quy hoạch quốc gia trên cơ sở đó định hướng xây dựng quy hoạch các vùng; đồng thời, chỉ đạo xây dựng, phê duyệt quy hoạch các tỉnh, lấy đó làm định hướng để phát huy tiềm năng của từng tỉnh, thành, từng khu vực để tạo thành tiềm lực chung trong phát triển đất nước, tránh phân tán nguồn lực.
Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, địa phương nhất là ngành Văn hóa cần quan tâm phân tích, tìm hiểu để có định hướng phù hợp trước thực trạng một bộ phận người dân tin thái quá vào sức mạnh của các thế lực siêu nhiên, thiếu tự tin và thiếu nghị lực phấn đấu.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh: Quan tâm các vấn đề liên quan đến môi trường, đạo đức xã hội
Ở một số địa phương, người dân phát triển mạnh về năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời áp mái. Hiện nay, người dân đã chủ động lắp đặt các thiết bị điện mặt trời áp mái tại nhà mình. Về mặt chính sách, điều này đúng với chủ trương của Chính phủ về sử dụng năng lượng điện tái tạo, thân thiện môi trường.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh thảo luận về các vấn đề liên quan đến môi trường, đạo đức xã hội.
Tuy nhiên, qua khảo sát, làm việc với các đơn vị liên quan trước kỳ họp Quốc hội thứ 7, trên thị trường, một số thiết bị chưa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Việc quản lý các thiết bị này, định hướng thông tin cho người dân nhằm có những lựa chọn chính xác, an toàn còn thả nổi. 5 đến 10 năm hoặc 20 đến 30 năm sau, các thiết bị này sẽ thải ra môi trường những tấm pin, việc xử lý tấm pin này thuộc trách nhiệm của ai và sẽ xử lý như thế nào. Tôi cho rằng, đối với những vấn đề mới như thế thì cần có những chỉ đạo chặt chẽ, thông tin đầy đủ, quản lý nghiêm túc.
Việc hạn chế rác thải nhựa, sử dụng những vật liệu thay thế được Chính phủ chỉ đạo thời gian qua. Nhưng “lỗ hổng” về vật liệu thay thế vẫn còn. Việc hạn chế rác thải nhựa phải dựa vào dân để tạo sức mạnh tổng hợp nhưng chưa khai thác hết yếu tố dựa vào dân. Ví dụ như việc phân loại rác tại nguồn nếu có sự vào cuộc thực chất của người dân sẽ có hiệu quả lớn thay vì sử dụng các biện pháp hành chính, kinh tế. Từ đây, cũng thấy được sự chông chênh giữa một bên là các biện pháp kinh tế, hành chính với một bên là công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, huy động nguồn lực xã hội.
Thời gian qua, nhiều vấn đề về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội làm nhân dân hoang mang, lo lắng. Trong các báo cáo của Chính phủ có đề cập nhưng tôi thấy chưa rõ nét. Tôi đồng tình với các đại biểu đã phát biểu trước tôi là cần tìm ra nguyên nhân vì đâu mà con người trở nên nóng nảy, dễ kích động, sẵn sàng làm những điều trái đạo lý. Trong báo cáo của Chính phủ chỉ nói tăng cường các giải pháp nhưng tôi cho rằng như thế là chưa đủ. Cần phải xác định nguyên nhân: ma túy từ đâu; nợ nần từ đâu; tín dụng đen từ đâu; cờ bạc, số đề từ đâu; hành xử theo kiểu “xã hội đen” từ đâu... Như vậy mới có các giải pháp căn cơ cho các vấn đề này. Tôi cho rằng, vấn đề căn cơ hiện nay là: đạo đức xã hội đang xuống cấp nghiêm trọng.
ĐBQH Lê Công Nhường: Nợ công giảm, nhưng việc trả nợ công chưa tốt
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, tình hình nợ công năm 2018 tuy giảm ở mức 58,4% GDP, nhưng vấn đề trả nợ công vẫn chưa khả quan.
Đơn cử, năm 2018, Quỹ tích lũy trả nợ vẫn phải ứng vốn trả nợ cho Tổng Công ty Giấy Việt Nam với số tiền 7,61 triệu euro nâng tổng giá trị ứng trả lên 82,6 triệu euro (tương đương 97 triệu USD). Tuy nhiên đến hết năm 2018, Bộ Công Thương, Tổng Công ty Giấy Việt Nam vẫn chưa thể xử lý xong tài sản của Nhà máy giấy Phương Nam để thu hồi cho Quỹ tích lũy trả nợ. Bên cạnh đó, Quỹ tích lũy trả nợ cũng ứng cho Dự án đường cao tốc La Sơn - Túy Loan của Bộ GTVT 44 triệu USD do vẫn chưa được cấp có thẩm quyền bố trí hợp đồng thi công trung hạn.
Tôi nêu ra ví dụ này để các đại biểu thấy, trước đây Quốc hội cũng tính toán cho các DN xử lý nợ xấu bằng việc phải tự trả nợ. Nhưng đến nay, các DN này không trả nợ được, Chính phủ phải trả nợ. Và như vậy, Chính phủ phải gánh thêm phần lãi này. Việc này, tôi đề nghị Bộ Công Thương phải có vai trò tích cực, báo cáo rõ ràng những DN nào không có khả năng trả nợ, để Chính phủ sớm có hướng giải quyết.
Thủ tục tài chính cho nhà khoa học khi thực hiện các đề tài, dự án hiện còn nhiều điểm chưa phù hợp, ảnh hưởng đến việc nghiên cứu của nhà khoa học... Bên cạnh đó, tôi cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục xem xét lại thủ tục hành chính, nhất là việc cắt giảm những thủ tục không cần thiết nhằm tạo điều kiện cho các dự án sớm triển khai và đi vào hoạt động.
Chính phủ, các bộ, ngành cần quan tâm hơn nữa về vấn đề biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh để có hướng giải quyết phù hợp và kịp thời. Vấn đề cuộc chiến tranh thương mại Trung - Mỹ cũng cần nhận định là thời cơ hay thách thức để có chiến lược phát triển phù hợp.
ĐBQH tỉnh Nguyễn Hữu Đức: Lấy hiệu quả KT-XH làm thước đo
Trong quá trình chủ động ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do - điều kiện quan trọng để kết nối kinh tế Việt Nam với khu vực và toàn cầu, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền quan tâm đến các cơ chế, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của ta; đã đến lúc cần hình thành một đội ngũ chuyên gia, luật sư có trình độ cao để bảo vệ quyền lợi của ta trước các tranh chấp.
Diễn biến giá xăng dầu phức tạp, cần có thông điệp rõ ràng bởi ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân. Đồng thời, cần tăng cường thêm sự phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong việc phân định nhiệm vụ các khâu của nền kinh tế vĩ mô vì nhiều lĩnh vực còn chồng chéo. Về việc sửa đổi luật kiểm toán nhà nước có nhiều ý kiến băn khoăn rằng: phạm vi, vai trò của kiểm toán nhà nước đến đâu, tăng thêm chế tài xử lý vi phạm...
Việc cải cách thể chế, môi trường kinh doanh, cần lấy hiệu quả KT-XH làm thước đo. Môi trường kinh doanh thuận lợi thì doanh nghiệp được hưởng lợi, song kết cục doanh nghiệp có hoạt động hiệu quả và đóng góp cho ngân sách nhà nước không. Người dân được tạo điều kiện để phát huy thế mạnh nhưng thu nhập thực tế có tăng, đời sống có được cải thiện không?
Theo tôi, nguồn lực cho đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, mới chỉ 10%-11%. Năm nay, chúng ta điều hành ngân sách tốt, nợ công, trần bội chi đều thấp so với 5 năm gần đây. Tôi đề xuất: dành khoản xử lý bội chi (gần 3.500 tỉ đồng) đầu tư cho an sinh đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn.
Chiều 22.5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Phát biểu tại hội trường, Phó Trưởng Ðoàn ÐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh bày tỏ sự thống nhất cao.
Tuy vậy, bà Hạnh cũng bày tỏ sự băn khoăn về một số nội dung cụ thể liên quan đến vấn đề này. Trong đó, việc làm rõ các cơ sở pháp lý để đảm bảo việc tổ chức cho phạm nhân lao động theo đúng quy định pháp luật hiện hành, đồng thời phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia là rất quan trọng. Tham gia ý kiến vào điều khoản các trại giam liên kết, liên doanh với DN trong việc đưa phạm nhân ra lao động ngoài trại giam, bà Hạnh cho rằng qua báo cáo tổng kết thí điểm đưa phạm nhân ra lao động ngoài trại giam cũng cho thấy rằng nhiều quy định liên quan nội dung này chưa được luật hóa. Và như vậy, sẽ dẫn tới nhiều khó khăn, bất cập trong quá trình thực thi.
Việc tổ chức đưa phạm nhân ra lao động ngoài trại giam cần được thực hiện trên cơ sở pháp lý rõ ràng, cụ thể để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, đồng thời không đi lệch bản chất của việc tổ chức cho phạm nhân lao động cải tạo, đảm bảo các quyền và nghĩa vụ của phạm nhân và đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của quy định này.
TRỌNG LỢI
NGUYỄN MUỘI - TRỌNG LỢI (ghi)