Xử lý nạn xâm phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp: Cần phối hợp tháo gỡ vướng mắc
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, xử lý tình trạng này đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ.
Một trường hợp xây dựng nhà trong hành lang ATLĐ cao áp ở thôn Phú Mỹ 1, xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước).
Nhiều vi phạm
Theo thống kê của Công ty Điện lực Bình Định, từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 5 vụ phóng điện làm 1 người chết, 7 người bị thương xuất phát từ việc xâm phạm hành lang an toàn lưới điện (ATLĐ) cao áp. Mới đây (ngày 8.5), ông Lê Văn Quang ở khu vực Phò An, phường Nhơn Hưng (TX An Nhơn), trong quá trình khuân vác để tấm tôn dài 3,2 m vướng vào đường dây điện 22 kV (dây trần) gây sự cố phóng điện, khiến ông tử vong.
Ông Trần Thúc Kham, Trưởng phòng Quản lý năng lượng Sở Công Thương, cho biết: “Thời gian tới, Ban chỉ đạo bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp tỉnh sẽ chỉ đạo các đơn vị điện lực tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của nhà nước về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp đến các tầng lớp nhân dân; thường xuyên kiểm tra nhằm phát hiện ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm quy định an toàn điện; chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra hành lang ATLÐ cao áp trong phạm vi quản lý; phối hợp với các cấp, ngành tập trung xử lý dứt điểm các điểm vi phạm đặc biệt nguy hiểm, kiên quyết không để phát sinh các điểm vi phạm mới”.
Ngoài ra, toàn tỉnh hiện đang tồn tại nhiều trường hợp như nhà ở, các biển quảng cáo, cây cối nằm trong hành lang ATLĐ cao áp, ẩn chứa nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn điện, song chưa được xử lý dứt điểm. Đơn cử như ngày 16.4, qua kiểm tra, Công ty Điện lực Bình Định đã phát hiện ông Nguyễn Văn Hùng, ở thôn Trà Lương, xã Mỹ Trinh (huyện Phù Mỹ) sử dụng máy đào để múc đất bên trong hành lang lưới điện tại cột 120 - 121 đường dây 110 kV Mỹ Thành - Phù Mỹ. Hiện trường cho thấy, xung quanh móng cột 121 đã bị đào sâu 2 m, làm lộ ra hệ thống tiếp địa và cọc tiếp địa. Sau khi phát hiện sự việc, Công ty Điện lực Bình Định phối hợp với UBND xã Mỹ Trinh lập biên bản, song ông Hùng không hợp tác.
Hay, trong hành lang ATLĐ tại Trạm biến áp Quy Nhơn 2 (2x40MVA) và đường dây 110 kV khoảng cột 57 - 58 (từ đỉnh núi Bà Hỏa đến khu vực trạm thuộc phường Quang Trung, TP Quy Nhơn) đang bị 12 hộ dân lấn chiếm trồng cây cối, hoa màu, xây dựng công trình phụ, nhà tạm, lều quán kinh doanh ăn uống. Ban chỉ đạo bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp tỉnh đã có văn bản gửi UBND TP Quy Nhơn chỉ đạo UBND phường Quang Trung và phòng, ban chức năng liên quan có biện pháp xử lý dứt điểm những vi phạm này, song đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Cần ngăn chặn ngay từ đầu
Theo tìm hiểu của PV, ngoài việc nguy hiểm đến tính mạng, các sự cố chập, phóng điện do hành vi vi phạm hành lang ATLĐ còn ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân và việc khắc phục sự cố tốn nhiều thời gian. Một trong những bất cập dẫn đến các hành vi xâm phạm hành lang ATLĐ cao áp hiện nay là do thiếu sự phối hợp giữa các ngành, địa phương, nhất là trong công tác kiểm tra, xử lý ban đầu. Mặt khác, nhiều trường hợp khi lập quy hoạch sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy phép xây dựng, đơn vị chức năng không khảo sát kỹ thực địa, không tính đến sự tồn tại trước đó của đường điện. Đến khi ngành điện phát hiện vi phạm thì nhiều công trình đã xây kiên cố với mức đầu tư lớn nên khó dỡ bỏ.
Ông Huỳnh Ngọc Việt, Giám đốc Công ty Điện lực Bình Định, cho rằng: Hằng năm, công tác tuyên truyền về việc bảo vệ ATLĐ nói chung và ATLĐ cao áp nói riêng luôn được công ty đẩy mạnh với nhiều hình thức, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền cho người dân hiểu rõ tầm quan trọng trong việc bảo đảm an toàn hành lang lưới điện. Song hiện tại, tình trạng xâm phạm hành lang ATLĐ cao áp trên địa bàn tỉnh còn xảy ra.
Theo ông Việt, để chấm dứt tình trạng vi phạm hành lang ATLĐ cao áp, chính quyền địa phương phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đã được ngành điện phát hiện lập biên bản. Đồng thời, các ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần quyết liệt ngăn chặn ngay từ đầu các trường hợp xây dựng công trình, trồng cây… trong hành lang ATLĐ. Ngoài ra, mỗi người dân cần phải tự ý thức việc bảo vệ an toàn hành lang lưới điện là bảo vệ cho chính mình. Bởi, mỗi hành vi xâm phạm tới hành lang ATLĐ rất dễ xảy ra hiện tượng chập điện, phóng điện gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản cho chính bản thân người vi phạm và cả khách hàng sử dụng điện.
Tại điểm b, khoản 1, Ðiều 15, Nghị định 134/2013/NÐ-CP, ngày 17.10.2013 của Chính phủ “về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” quy định: Phạt tiền từ 1 - 5 triệu đồng đối với hành vi trồng cây hoặc để cây vi phạm khoảng cách an toàn đối với đường dây dẫn điện trên không, trạm điện.
Còn tại điểm d, khoản 2, Ðiều 15, Nghị định 134 quy định: Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi xây dựng hoặc cải tạo nhà ở, công trình trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không khi chưa có thỏa thuận hoặc không thực hiện đúng các thỏa thuận để bảo đảm an toàn trong quá trình xây dựng, cải tạo nhà ở, công trình với đơn vị quản lý vận hành đường dây.
TRỌNG LỢI