Giảm áp lực, tăng sáng tạo trong học đường
Vừa qua, trong buổi tiếp xúc cử tri ở huyện An Lão, đại biểu Quốc hội Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ GD&ÐT khẳng định, việc tạo động lực sáng tạo, giảm áp lực trong ngành GD&ÐT là việc mà toàn ngành nỗ lực phải làm.
Nhiều giáo viên có những cách làm hay giúp học sinh yêu thích trường lớp.
Áp lực học đường
Trong những lần làm việc và trò chuyện cùng học sinh, có nhiều em khá thoải mái trước kỳ thi tuyển sinh vào 10 sắp tới, cũng không ít em bị căng thẳng bởi không muốn làm ba mẹ thất vọng. Em N.T.B.N (một học sinh lớp 9, TP Quy Nhơn) ngập ngừng chia sẻ: Em phải cố gắng thi vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn vì đó là ước muốn của ba mẹ em.
Học sinh là thế còn phía giáo viên thì sao? Tại Hội nghị tiếp xúc cử tri ở huyện An Lão ngày 15.5, nhiều cử tri là giáo viên đã gửi đến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT những thắc mắc, trong đó nổi cộm là áp lực trong học đường. Theo đó, ngoài lúng túng trước việc cải cách giáo dục, nhiều giáo viên còn bị chi phối nhiều bởi các thủ tục hành chính.
Chia sẻ với cử tri trong cả tư cách là đại biểu Quốc hội và cả trách nhiệm là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, ông Phùng Xuân Nhạ, cho biết: Không nên để những áp lực không đáng có chi phối. Học sinh hiện nay cập nhật kiến thức, thông tin mới, tự học qua internet rất tốt, vì vậy khi đến lớp có thể các em đã biết những kiến thức thầy cô truyền đạt. Nếu dạy kiểu đọc chép như trước giờ sẽ gây nhàm chán. Do vậy, để vững vàng trên bục giảng, thầy cô khi đến lớp không chỉ vững về kiến thức, kỹ năng mà còn phải sáng tạo ở phương pháp giảng dạy, muốn có sự tiến bộ thì phải cố gắng cập nhật những gì còn thiếu. Muốn giáo viên có thời gian đầu tư cho khâu chuẩn bị ấy, Sở GD&ĐT, các trường THPT phải cắt bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết, tăng cường vai trò chủ động của các thầy cô, những gì không phù hợp cản trở sự đổi mới sáng tạo của thầy cô phải kiên quyết giảm. Có giảm được áp lực cho giáo viên thì giáo viên mới có điều kiện, môi trường giúp học sinh thoát khỏi áp lực. Xin nhắc lại, đừng nghĩ mình là giáo viên rồi, đi dạy rồi thì không cần phải học gì nữa!
Nhiều trường sáng tạo làm sân chơi, sân đọc sách cho học sinh.
Miệt mài vì học sinh
Đối với học sinh ở nông thôn, việc học Tiếng Anh không mấy hào hứng, do vậy cô Trần Thị Bích Phương (Trường Tiểu học số 2 Phước Lộc, huyện Tuy Phước) dùng nhiều phương pháp vừa học vừa chơi giúp học sinh dạn dĩ trong kỹ năng nghe và nói. Cô để các em kể chuyện bằng Tiếng Anh theo hoạt cảnh, có sự chuẩn bị trước về đạo cụ, trang phục giúp các em thích thú, vui vẻ hơn. Giống như cô Phương, thầy Trần Văn Rốt (Trường THCS Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân) trở thành người bạn đồng hành trong phong trào nghiên cứu khoa học của học sinh. Xác định mục đích của nghiên cứu khoa học không phải là tìm giải thưởng mà khuyến khích sự sáng tạo của học sinh dựa trên những lý thuyết đã học, nên mỗi giờ nghiên cứu là mỗi lần trao đổi kinh nghiệm, trau dồi kiến thức giữa thầy và trò.
Cùng với sự thay đổi của giáo viên, nhận thức của phụ huynh cũng có sự chuyển biến tích cực. Gặp và trò chuyện với một số phụ huynh, nhiều người nhận định, điểm số không quan trọng. Trong đó có nhiều người khẳng định không ép con đi học thêm. Chị Nguyễn Thị Liên (huyện Tuy Phước) chia sẻ: Tôi có 2 con đang học cấp 1, tôi chỉ mong con em mình được vui vẻ ở trường, trải nghiệm sinh hoạt các hoạt động giúp nâng cao nhận biết, các con sống đúng độ tuổi của mình là được.
Thấy sân chơi cho học sinh hạn chế, học sinh ít đọc sách, thầy Giả Tấn Trọng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Phước Sơn (huyện Tuy Phước) đã dùng bánh xe hỏng để tạo những bàn cờ, bàn đọc sách cho các em, xây dựng thư viện xanh. Ngoài ra, trường luôn tổ chức các hoạt động như văn nghệ, thể thao, thi dẫn chương trình, thanh lịch với chủ đề bảo vệ thiên nhiên, thi viết thư pháp... giúp các em hiểu biết phong phú, tự tin hơn.
Cùng với đó, để nuôi dưỡng tâm hồn cho trẻ em, Trường Tiểu học số 1 Nhơn Thành (TX An Nhơn) xây dựng các quỹ từ thiện, dạy học sinh tính ngay thẳng, trung thực không tham của người khác. Trường tuyên dương những em làm tốt để động viên và khích lệ những bạn khác. Ông Trà Xuân Hưng, Tổng phụ trách Đội trường chia sẻ: “Mình làm vì học sinh mình thôi!”.
Bên lề cuộc tiếp xúc cử tri, khi người viết kể lại những câu chuyện trên với ông Phùng Xuân Nhạ, ông Nhạ rất vui và qua báo Đảng địa phương muốn gởi lời chúc mừng đến những thầy cô nỗ lực hết mình vì học sinh thân yêu; đồng thời mong muốn tỉnh Bình Định sẽ có thêm nhiều điển hình thú vị như thế. Rõ ràng trước những việc đáng tiếc xảy ra do bệnh thành tích, bức tranh về nền giáo dục cả nước trở nên không đẹp trong mắt nhiều người. Nhưng điều mà ta có thể khẳng định là vẫn có rất nhiều tấm gương tốt, miệt mài tạo động lực cho học sinh, yêu thương học sinh.
Để ghi nhận sự cống hiến của giáo viên, trao đổi nhanh về vấn đề đãi ngộ, ở góc độ là “tư lệnh ngành”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Sau này lương và phụ cấp sẽ dựa vào chức danh và vị trí việc làm. Tới đây, chúng tôi sẽ nghiên cứu những tiêu chí thi đua nào giúp phản ánh được chất lượng thực chất để công nhận sự cống hiến của thầy cô.
THẢO KHUY