Có một từ “muôn”
Trên Báo Bình Định số ra ngày 19.7.2018, trong bài viết Tiếc cho một từ “mớ”, chúng tôi đã trình bày về sự thay đổi ngữ nghĩa, phạm vi sử dụng và sắc thái biểu cảm của từ “mớ”. Trong tiếng Việt, có một từ khác cũng chung số phận với “mớ”, tuy không “hẩm hiu” bằng. Đó là từ “muôn”.
Trong ngôn ngữ hằng ngày, chúng ta thường gặp cách dùng muôn + danh từ như muôn nơi, muôn phương, muôn người, muôn lòng, muôn năm, muôn thuở, muôn đời, muôn hình muôn vẻ,… Về nghĩa, “muôn” được dùng để chỉ số lượng lớn không đếm được. Về vị trí ngữ pháp, “muôn” có vị trí của một số từ. Vậy, nghĩa gốc của muôn là gì và nó có phải là một số từ không?
Ngày nay, chúng ta quen với nghĩa “nhiều không đếm xuể” của “muôn” mà không còn bận tâm về nghĩa gốc của nó. Tương tự như “mớ” hiện nay được dùng với nghĩa “rất nhiều” nhưng xưa kia vốn là danh xưng chính thống của một số từ mà ngày nay ta gọi là “một trăm nghìn”, “muôn” vốn cũng là một số từ chỉ số lượng chính xác. “Muôn” chính là “một vạn”, tức “mười nghìn”.
“Vạn” chắc chắn là một từ Việt gốc Hán. Thế còn “muôn”? Đây cũng là một từ gốc Hán và có nguồn gốc xa hơn “vạn”. Các nhà ngôn ngữ đã chỉ ra, như nhiều trường hợp khác, “muôn” là âm xưa của “vạn” trong (cũng như buồng là âm xưa của phòng, buông là âm xưa của phóng). Mối quan hệ giữa hai khuôn vần /-uôn/ và /-an/ là mối quan hệ lịch sử mà ta có thể gặp trong nhiều trường hợp, tiêu biểu là muộn ~ vãn (chiều tối). Từ điển tiếng Việt cũng ghi nhận “muôn” là từ cũ có nghĩa “vạn” (Viện Ngôn ngữ học, Hoàng Phê chủ biên, 1992, tr. 646)
Vì “muôn” chính là “vạn” nên ta mới có kết hợp “muôn vạn” và một biến âm của nó là “muôn vàn”. Hơn nữa, là một số từ (bình đẳng về chức năng ngữ pháp) nên “muôn” có thể kết hợp nhiều số từ khác để tạo nên tổ hợp đẳng lập chỉ ý nghĩa khái quát “vô cùng nhiều/ lớn” như “muôn nghìn”, “muôn triệu”.
Như vậy, từ một số từ chỉ số lượng chính xác, “muôn” dần bị “giáng cấp” thành một số từ chỉ số lượng áng chừng. Hơn nữa, ý nghĩa “một trăm nghìn” của nó bị tự “vạn” chiếm giữ và bản thân nó bị đẩy vào hàng từ cũ. Số phận của “muôn” cũng chẳng hơn gì “mớ” !
ThS. PHẠM TUẤN VŨ