Trung tâm y tế Phù Cát: Ðiều trị thành công nhiều trường hợp bị rắn độc cắn
TTYT Phù Cát nằm trong số ít những bệnh viện tuyến huyện sử dụng huyết thanh điều trị thành công nhiều trường hợp bị rắn độc cắn, đặc biệt là rắn lục và rắn hổ mang, giúp giảm chi phí và thời gian điều trị, đem lại cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân.
Bệnh nhân Nguyễn Văn Bềnh được đưa vào TTYT Phù Cát tối 14.5 do bị rắn lục cắn ở chân trái.
22 giờ 15 phút tối 14.5, do bị rắn lục cắn ở chân trái, ông Nguyễn Văn Bềnh, 69 tuổi, ở xã Cát Hưng, huyện Phù Cát nhập viện trong tình trạng vết thương đau nhức, chân sưng phù. Sau khi được truyền huyết thanh kháng nọc độc rắn và điều trị tích cực, ông Bềnh đỡ hẳn. Sau 5 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân ổn định, có thể ăn uống, đi lại và được xuất viện.
Sơ cứu khi bị rắn độc cắn: Ðối với rắn lục: Nhanh chóng rửa vết thương, bất động chi bị cắn bằng nẹp, nếu đau nhiều cho uống paracetamol giảm đau và chuyển nạn nhân đến bệnh viện ngay. Trường hợp rắn hổ cắn, dùng băng rộng khoảng 5-10 cm hoặc ga rô tĩnh mạch băng ép bất động vết cắn, không để bệnh nhân tự đi lại, để vùng bị cắn thấp hơn vị trí của tim, nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất có điều kiện đặt nội khí quản và bóp bóng hoặc thở máy.
Đây chỉ là một trong rất nhiều bệnh nhân bị rắn độc cắn được TTYT Phù Cát tiếp nhận, điều trị. Vào những tháng mưa nhiều hoặc giáp tết, TTYT Phù Cát điều trị khoảng 8 - 10 ca bị rắn cắn mỗi tháng, đa số bệnh nhân nhập viện do rắn lục cắn, còn một số ít do rắn hổ mang cắn. Sau đó, nhiều bệnh nhân bị rắn cắn từ các huyện lân cận cũng tìm đến Trung tâm để được điều trị.
Bác sĩ Võ Hữu Thọ, Trưởng Khoa hồi sức cấp cứu, cho biết: “TTYT Phù Cát hiện đang áp dụng 2 loại huyết thanh kháng nọc rắn, đó là rắn lục tre và hổ đất. Đây là hai loại rắn nằm trong nhóm độc thần kinh. Bệnh nhân sau khi bị rắn lục cắn, chỗ vết thương sẽ sưng to, phù nề, đau nhức, dễ dẫn tới chứng rối loạn đông máu, gây tử vong. Còn rắn hổ mang gây liệt cơ dẫn tới suy hô hấp và tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Khi bị rắn độc cắn, bệnh nhân cần được rửa sạch vết thương bằng nước xà phòng loãng, đắp gạc, băng lại, đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị kịp thời. Không nên tự chữa tại nhà hay chích lễ để nặn chất độc ra, đến khi nguy kịch mới nhập viện, khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn.
Để phòng rắn cắn, bà con cần phát quang, làm cỏ bờ cây bụi rậm quanh nhà, ở nông thôn không nên làm giàn hoa trước nhà, nên trồng sả hoặc rắc bột lưu huỳnh quanh nhà. Khi lao động hoặc vào rừng, bà con cần trang bị bảo hộ như: đội mũ rộng vành, mặc quần áo dài, đi giày cao cổ, mang bao tay và nên khua gậy xua đuổi rắn.
HỒNG HÀ