Xây dựng mối quan hệ giữa Kiểm toán Nhà nước và địa phương
Chiều 23.5, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Ảnh: VGP/Thành Chung
Trước đó, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật do các cơ quan liên quan trình bày.
Tại phiên họp Tổ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá Luật Kiểm toán Nhà nước có vai trò quan trọng để kiểm toán tài sản công và tài chính công. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, Luật đã góp phần nâng cao năng lực giải trình của Chính phủ, các cơ quan địa phương. Do vậy, việc thường xuyên nâng cao năng lực của Kiểm toán Nhà nước là trách nhiệm của các cơ quan, đoàn thể trong xã hội.
Trên cơ sở Tờ trình của Kiểm toán Nhà nước và báo cáo thẩm tra của Quốc hội, Phó Thủ tướng cho rằng nên rà soát lại phạm vi sửa đổi khi vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau rất lớn (có ý kiến của ĐBQH đồng tình sửa nhưng có ý kiến cho rằng chưa cần thiết) để thống nhất cho đúng chức năng, nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Luật Kiểm toán Nhà nước mới ban hành được 3 năm, quy định bộ máy, tổ chức của Kiểm toán Nhà nước theo khu vực chứ không tổ chức theo từng địa phương. Đây là mô hình tiên tiến, phù hợp với thông lệ của quốc tế, bảo đảm các quy định về tổ chức, sắp xếp bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương.
Phó Thủ tướng đánh giá hệ thống Kiểm toán Nhà nước hiện nay ổn định nhưng quan hệ giữa Kiểm toán nhà nước với địa phương thì chưa “tương xứng”, mối quan hệ của Kiểm toán Nhà nước “nghiêng” về phía Quốc hội nhiều hơn. Theo đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt vấn đề về dự án Luật nên quy định Trưởng Kiểm toán khu vực có quyền trình bày báo cáo kiểm toán ngân sách địa phương ở phiên họp Hội đồng nhân dân và Hội đồng nhân dân sử dụng kết quả kiểm toán này để đánh giá, phê duyệt phương án ngân sách, tài chính của địa phương.
“Tôi cho rằng đây là điều cần quy định trong dự án Luật, là cơ chế để giám sát, bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ các bên liên quan”, Phó Thủ tướng bày tỏ và cho rằng nếu cơ quan soạn thảo và thẩm tra không kịp bổ sung nội dung này thì nên tính toán “giãn” tiến độ xây dựng dự thảo lại một vài năm để làm cho kỹ.
Theo Thành Chung (Chinhphu.vn)