Nhạc giao hưởng từ dân ca Việt Nam đến với bạn bè quốc tế ở Bắc Kinh
Hòa nhạc giao hưởng châu Á, trong đó có tác phẩm của Việt Nam đã diễn ra tối 23.5 trong khuôn khổ Liên hoan âm nhạc hiện đại Bắc Kinh.
Tác phẩm "Tám bức tranh giao hưởng từ dân ca Việt Nam" đã vang lên trong Nhà hát Học viện âm nhạc Trung ương Trung Quốc, hòa nhịp cùng các tác phẩm giao hưởng đến từ các nước châu Á khác, như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan.
Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc, người từng được giải Kim Tước dành cho nhạc phim hay nhất trong phim "Thời xa vắng" tại Liên hoan phim Thượng Hải, là tác giả của tác phẩm này. Đây là lần đầu tiên nhạc sĩ Việt Nam được mời tham dự Liên hoan.
Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc tại buổi biểu diễn
Là người am hiểu và trân trọng âm nhạc dân gian, ông mong muốn thông qua liên hoan lần này giới thiệu đến bạn bè quốc tế dân ca Việt Nam, mà cụ thể ở đây là dân ca Tây Bắc và Quan họ.
"Tôi muốn mang đến những gì đích thực của Việt Nam. Hôm nay có rất nhiều giai điệu của Việt Nam vang lên trong thính phòng này. Những tác phẩm tôi viết thường bắt nguồn từ những giai điệu của cha ông để lại, nhằm giúp mình gắn bó với truyền thống dân tộc và cũng để khán giả nhận ra tác phẩm của người Việt Nam ngay", nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc chia sẻ.
Bản nhạc đã được người nghe và giới chuyên môn đón nhận. Cô Simona De Rosa, một giáo viên thanh nhạc người Italia nhận xét: "Tôi thực sự rất thích nhạc dân tộc Việt Nam, bởi nó gần gũi và thực sự truyền thống giống như các nhạc cụ dân tộc và tác phẩm âm nhạc châu Á khác. Nhưng tôi cũng cho rằng, nhạc dân ca truyền thống Việt Nam có những nét khác biệt, đó là lý do vì sao tôi rất thích."
Liên hoan âm nhạc quốc tế Bắc Kinh là 1 trong 3 hoạt động giao lưu âm nhạc quan trọng của Trung Quốc, bên cạnh Tuần lễ âm nhạc đương đại Thượng Hải và Tuần lễ âm nhạc Trung Quốc-ASEAN. Kể từ năm 2002, Liên hoan diễn ra vào tháng 5 hàng năm.
Năm nay, Liên hoan tổ chức từ 19-25/5. Đây là chương trình mang tính chuyên môn cao, cũng là dịp nhạc sĩ trên toàn thế giới đến để thảo luận về sự phát triển của âm nhạc hiện đại và giáo dục âm nhạc hiện đại)./.
Theo Bích Thuận, Đinh Tuấn (VOV)