Đưa Múa rối nước đến với Bình Định
Cuối tháng 4, Nhà hát Múa rối Đất Võ (thuộc Nhà văn hóa lao động tỉnh) được thành lập và biểu diễn phục vụ khán giả, góp phần tạo thêm một điểm sinh hoạt văn hóa thú vị cho TP.Quy Nhơn, đồng thời người dân và du khách sẽ được xem trực tiếp bộ môn nghệ thuật truyền thống đặc sắc đã có từ rất lâu đời.
Múa rối nước hay còn gọi là trò rối nước được khởi xướng ở Đồng bằng Bắc bộ cách đây hàng ngàn năm và được xem là môn nghệ thuật duy nhất chỉ có ở Việt Nam. Trong nghệ thuật múa rối nước thì con rối đóng vai trò truyền tải ý tưởng, thông điệp đến với người xem. Vì vậy việc tạo hình cho chúng là rất quan trọng, vừa đảm bảo mang tính nghệ thuật, vừa phải nhẹ để người điều khiển dễ sử dụng. Hiện nay, chất liệu làm con rối là gỗ sung, đây là loại gỗ nhẹ nổi trên mặt nước. Khi biểu diễn, người diễn viên ở trong buồng rối thông qua cây sào, dây được gắn vào thân rối để điều khiển. Thành công của các tiết mục chủ yếu dựa vào sự cử động của thân hình, động tác làm trò đóng kịch của con rối.
Không gian khu biểu diễn Nhà hát múa rối nước (tại Nhà văn hóa Lao động). Ảnh: VĂN LƯU
Với mong muốn đưa nghệ thuật múa rối nước đến với người dân Bình Định. Cuối tháng 4. 2019 Nhà hát múa rối Đất Võ được thành lập.
Giám đốc Nhà văn hóa Lao động tỉnh Nguyễn Thành Thư cho biết, sau khi đi tìm hiểu tham quan thực tế, xem biểu diễn tại nhà hát múa rối Thăng Long, Hà Nội, tôi về trình bày ý tưởng và được ban lãnh đạo ủng hộ cho thành lập nhà hát múa rối Đất Võ.
Chứng kiến các diễn viên tập luyện mới thấy hết sự vất vả ở bộ môn nghệ thuật này. Để có thể thuần thục các kỹ thuật biểu diễn, mỗi ngày các diễn viên phải ngâm mình nhiều giờ dưới nước, ngoài ra phải cố gắng giữ thăng bằng, điều khiển chuyển động các con rối theo ý mình.
Phó Trưởng đoàn Nhà hát múa rối Đất Võ Trương Văn Trấn cho biết, trong lúc tập có những con rối quá nặng làm phồng tay, ảnh hưởng rất lớn đến việc giữ thăng bằng con rối dưới nước.
Múa phượng. Ảnh: VĂN LƯU
Diễn viên Nhà hát múa rối Đất Võ Phan Nguyên Thùy Linh chia sẻ, việc phải thường xuyên ngâm mình dưới nước sẽ dễ sinh ra các bệnh về sức khỏe như: viêm khớp, da liễu... là điều các diễn viên rất lo ngại, đặc biệt là với diễn viên nữ. Tuy nhiên vì niềm đam mê và muốn đưa môn nghệ thuật này đến với Bình Định nên chúng tôi cố gắng khắc phục để có thể đem đến cho khán giả những tiết mục hay nhất.
Anh Lê Thanh Vân - Diễn viên nhà hát múa rối Cố đô Huế nhận xét, hơn 6 tháng truyền đạt về nghệ thuật múa rối nước, đến nay tất cả các diễn viên đều đã nắm bắt và gần như hoàn thiện các kỹ thuật biểu diễn về bộ môn này.
Tái diễn hình ảnh sản xuất nông nghiệp bằng nghệ thuật múa rối nước. Ảnh: VĂN LƯU
Từ khi thành lập đến nay các buổi diễn được tổ chức hàng đêm trong tuần và thu hút rất đông khán giả đến xem.
Em Trần Thị Lệ ở TP.Quy Nhơn nhận xét, xem múa rối nước rất hay và vui, em thích nhất là con phượng, con rùa vì nhìn rất đẹp và đáng yêu.
Hình ảnh múa bát tiên. Ảnh: VĂN LƯU
Còn anh Ngô Đức Tiến ở TP.Quy Nhơn cho biết, đây là lần đầu tiên anh đưa gia đình đi xem múa rối nước để các cháu biết về cội nguồn của ông cha ngày xưa, các cháu rất thích.
Để tạo sự khác biệt so với các địa phương khác, thời gian tới nhà hát múa rối Đất Võ sẽ đưa những làn điệu bài chòi, tuồng vào trong các tiết mục biểu diễn tạo ra sự gần gũi và cũng để bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của Bình Định.
Các nghệ nhân điều khiển múa rối nước chào khán giả. Ảnh: VĂN LƯU
Ông Nguyễn Thành Thư, Giám đốc Nhà văn hóa Lao động tỉnh cho biết thêm sẽ nhờ Sở VH-TT và các nhà chuyên môn xây dựng các vở tuồng, làn điệu đặc trưng của Bình Định để đưa vào biểu diễn.
Sự ra đời của nhà hát múa rối Đất Võ sẽ tạo thêm điểm đến mang giá trị tinh thần rất cao khi du khách đến với Quy Nhơn- Bình Định.
PHAN TUẤN (thực hiện)