Phát huy hiệu quả các nguồn viện trợ phi chính phủ
Huy động tốt, sử dụng hiệu quả các nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài theo khuôn khổ của pháp luật sẽ góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
Làng Trẻ em SOS Quy Nhơn là mái nhà chung của các trẻ em mồ côi.
Tác động tích cực
Ngày 16.10.2012, một sự kiện đặc biệt diễn ra tại phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn: Làng Trẻ em SOS Quy Nhơn chính thức được khánh thành. Đây là làng thứ 14 ở Việt Nam được tổ chức Làng Trẻ em SOS Quốc tế vận động tài trợ và Công ty gia đình Vorwerk (Cộng hòa Liên bang Đức) tài trợ toàn bộ kinh phí xây dựng. 41,7 tỉ đồng được rót về - một con số đáng mơ ước, đó là chưa kể các khoản chi hằng năm để duy trì hoạt động của Làng.
Trên địa bàn tỉnh có 18 tổ chức PCPNN được cấp Giấy đăng ký hoạt động, 13 tổ chức được cấp Giấy đăng ký lập văn phòng đại diện, 8 tổ chức được cấp Giấy đăng ký lập văn phòng dự án. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có 14 tổ chức đang hoạt động và triển khai dự án, còn lại là cá nhân, tổ chức nước ngoài viện trợ phi dự án.
Từ 85 trẻ được nuôi dạy ở Làng tại thời điểm khánh thành, con số này đến nay đã lên đến 147. Đáng chú ý, ngày 9.8.2018, Lưu xá thanh niên đi vào hoạt động, hiện là nơi ở của 26 trẻ nam từ 14 tuổi trở lên.
Theo Giám đốc Nguyễn Xuân Cương, điều đáng mừng là các em đều mạnh khỏe và phát triển tốt. Để có được kết quả đó, công tác chăm sóc, nuôi dạy trẻ tại các nhà gia đình SOS được quan tâm chu đáo. Lãnh đạo Làng thường xuyên kiểm tra chế độ ăn uống, vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường sống.
“Việc kiểm tra và theo dõi tình hình sức khỏe của con trẻ được thực hiện thường xuyên nên phát hiện, điều trị kịp thời các bệnh thông thường, đảm bảo sức khỏe để các con sinh hoạt và học tập”, ông Cương chia sẻ.
Làng Trẻ em SOS Quy Nhơn là minh chứng cho hiệu quả của nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Trong năm 2018, các cá nhân người nước ngoài, tổ chức PCPNN đã tài trợ thực hiện 32 chương trình, dự án và phi dự án ở Bình Định với tổng giá trị viện trợ giải ngân hơn 51 tỉ đồng. Qua đó, góp phần thúc đẩy quá trình xóa đói giảm nghèo và cải thiện cuộc sống của một bộ phận không nhỏ người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Riêng trong lĩnh vực hỗ trợ người khuyết tật, Bình Định đã và đang triển khai 3 dự án do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ. Đây là điểm nổi bật trong công tác vận động viện trợ để hỗ trợ người khuyết tật trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có 2 dự án do Sở Y tế tiếp nhận và triển khai, gồm “Hỗ trợ người khuyết tật vận động” và “Hỗ trợ chăm sóc phục hồi chức năng bền vững và đa chuyên ngành cho người khuyết tật nặng tại Quảng Nam và Bình Định”. Dự án còn lại - “Tiếp cận vì sự hòa nhập cho người khuyết tật” - do Sở LĐ-TB&XH triển khai.
Để phát huy hiệu quả
Từ đầu năm 2018 đến nay, có 6 tổ chức PCPNN thực hiện các hoạt động hỗ trợ nhân đạo, khảo sát triển khai dự án tại huyện Tuy Phước, chủ yếu đến từ Hàn Quốc. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Hữu Tường, các tổ chức PCPNN đến nay chưa có biểu hiện hoạt động phức tạp ngoài nội dung cho phép, không để xảy ra tình trạng mất ANTT.
“Chúng tôi chú trọng công tác hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức PCPNN trong quá trình thực hiện các chương trình, dự án. Đồng thời, tăng cường hướng dẫn, quản lý, giám sát nhằm đảm bảo hoạt động chung của các tổ chức này tuân thủ đúng các quy định hiện hành của Nhà nước”, ông Tường nói.
Đây cũng là mối quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh. Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Ngoại vụ Võ Đình Kha, quan trọng là phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là thanh tra chuyên ngành. “Có làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra mới kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót. Nếu không thực hiện tốt, hoặc có làm nhưng “qua loa lấy lệ” thì những hạn chế, thiếu sót lâu ngày sẽ lớn dần và dẫn đến sai phạm”, ông Kha nhấn mạnh.
Trong khi đó, để nâng cao hiệu quả công tác vận động viện trợ PCPNN, cần tăng cường trao đổi và cung cấp thông tin giữa Ủy ban Công tác về các tổ chức PCPNN và địa phương về các tổ chức PCPNN và hoạt động viện trợ của các tổ chức này. Từ đó, giúp địa phương nắm bắt thông tin và có kế hoạch tiếp cận với các tổ chức tiềm năng trong quá trình vận động, thu hút và tiếp nhận viện trợ.
Bên cạnh đó, phải trân trọng từng nguồn viện trợ của các tổ chức PCPNN cho dù giá trị lớn hay nhỏ. “Chúng ta cần phải nắm bắt mọi nguồn viện trợ để giúp đỡ các đối tượng đang gặp khó khăn và cố gắng triển khai đạt hiệu quả cao nhất. Có như thế các tổ chức PCPNN mới đánh giá cao sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành trong quá trình thực hiện dự án. Để rồi, họ sẽ tiếp tục đến Bình Định triển khai các hoạt động nhân đạo”, ông Kha nêu rõ.
NGUYỄN VĂN TRANG