Phiên tòa xét xử vụ gây rối làm ách tắc giao thông ở Phù Mỹ: Bài học đắt giá
Ngày 21.5 vừa qua, tại TP Quy Nhơn, TAND tỉnh đã mở phiên tòa xét xử công khai các bị cáo đã kích động hàng trăm người tụ tập trên QL 1A thuộc thị trấn Bình Dương và xã Mỹ Phong, huyện Phù Mỹ, gây ách tắc giao thông gần 6 tiếng đồng hồ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Quang cảnh phiên tòa.
Khác hẳn với sự hung hãn, càn quấy lúc đó, tại phiên tòa các bị cáo đã tỏ ra ăn năn và thấy rõ việc làm của mình là nông nổi, sai trái. Những giọt nước mắt lăn dài của các bị cáo Hồ Thị Lợi (SN 1958), Đỗ Thị Thanh Tâm, Đoàn Thị Chung (cùng SN 1973); Nguyễn Thị Kim Chi (SN 1972) và Nguyễn Thị Tiết (SN 1980) cùng xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, khi nghe Hội đồng xét xử tuyên phạt các mức án lần lượt là 9 tháng tù giam, 6 tháng tù giam, các bị cáo còn lại là 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, khiến khán phòng như chùng xuống.
Khác với nhiều phiên tòa mà tôi dự, 5 bị cáo đứng trước Hội đồng xét xử ở phiên tòa này đều là nữ, trình độ học vấn khá thấp, thậm chí có bị cáo phải lăn tay để xác nhận lời khai của mình. Tại tòa, có bị cáo còn được Hội đồng xét xử đặc cách cho ngồi ghế vì chân đau. Thế nhưng, ít ai biết rằng, trước đó, họ chính là những người hung hăng trong việc tụ tập, hô hào, la hét mọi người kéo lên QL 1A (thuộc thị trấn Bình Dương và xã Mỹ Phong, huyện Phù Mỹ) để biểu tình phản đối, gây ách tắc giao thông hơn 6 giờ liền.
Xuất phát từ việc các bị cáo cho rằng, UBND huyện Phù Mỹ cho bà Lục Thị Kim Loan thuê diện tích 9.932,5 m2 đất tại làng nghề chế biến thủy sản khô xuất khẩu Mỹ An (thuộc thôn Xuân Bình, xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ) để xây dựng cơ sở chế biến thủy sản sẽ gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước và cuộc sống của nhân dân 3 thôn Xuân Bình, Xuân Thạnh và Xuân Thạnh Nam; nên từ tháng 2.2018, bà Lợi cùng nhiều người dân đến UBND tỉnh, huyện nộp đơn khiếu nại và yêu cầu dừng việc xây dựng cơ sở chế biến thủy sản Thảo Loan (do bà Lục Thị Kim Loan làm chủ cơ sở). Trong thời gian chờ các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết, ngày 16.3.2018, các bị cáo trên đã hô hào, lôi kéo và cùng với nhiều người dân xã Mỹ An kéo lên QL 1A để gây rối trật tự công cộng.
Tại tòa, các bị cáo đều thừa nhận hành vi của mình là sai, và cho rằng vì thấy mọi người đi thì đi chứ không nghĩ gì. Bị cáo Tâm nói: “Thấy mọi người đi thì tôi cũng đi theo với mục đích để bảo vệ nguồn nước”. Còn bị cáo Lợi, người tham gia kích động nhất, phân trần: “Vì muốn được giải quyết ngay nên tôi đi theo lên QL 1A để chặn xe nhằm phản đối. Giờ nghĩ lại, tôi biết hành vi của mình sai trái nên không dám tái phạm nữa, mong được giảm án vì tuổi đã cao, bản thân lại đang chăm con trai bị tâm thần”.
Phần lớn thời gian tại phiên tòa, Hội đồng xét xử giải thích, phân tích hành vi của các bị cáo; trong đó, chủ tọa phiên tòa cho rằng, dù có thế nào cũng nên bình tĩnh để cùng giải quyết, chứ hô hào hàng trăm người tràn lên quốc lộ gây ách tắc giao thông là hành vi sai trái. Bên cạnh đó, Hội đồng xét xử cũng giải thích rõ, dù tham gia vụ việc hôm đó có hàng trăm người, nhưng chỉ 5 bị cáo phải đứng trước phiên tòa hôm nay là vì các bị cáo tham gia kích động, la hét, phạm điểm C khoản 2 điều 318 Bộ luật Hình sự về tội gây rối trật tự công cộng, có khung hình phạt từ 2 - 7 năm tù giam. Tuy nhiên, xét thấy các bị cáo khai báo thành khẩn, hoàn cảnh khó khăn, vị đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa chỉ đề nghị mức phạt dưới khung, vừa thể hiện sự khoan hồng của pháp luật song cũng là mức phạt đủ sức răn đe đối với các bị cáo.
Các mức án được tòa tuyên hôm nay, không chỉ là bài học cho các bị cáo mà còn là bài học cho những ai khi gặp những tình huống vướng mắc trong cuộc sống, thay vì bình tâm suy xét chín chắn đã chọn cách kích động, lôi kéo đám đông biểu tình, gây rối làm ảnh hưởng đến tình hình ANTT địa phương, gây hoang mang cho cộng đồng.
K.ANH