Đừng chủ quan với bệnh quai bị
Bệnh quai bị (còn gọi là bệnh viêm tuyến nước bọt mang tai) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi-rút quai bị gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ em, lây qua đường hô hấp, qua các hạt nước bọt hoặc dịch tiết mũi họng có chứa vi-rút bắn ra ngoài không khí khi bệnh nhân ho, hắt hơi, khạc nhổ, nói chuyện…, người lành hít phải trực tiếp hoặc qua các đồ dùng bị nhiễm vi-rút do bệnh nhân thải ra sẽ có nguy cơ mắc bệnh.
Trẻ thường có các triệu chứng toàn thân như sốt, mệt mỏi, đau nhức đầu, đau nhức xương khớp, ăn ngủ kém; cảm giác đau ở quanh ống tai ngoài, sau lan ra xung quanh. Sau 1 - 2 ngày, tuyến mang tai trẻ dần sưng to, lan ra vùng trước tai, lan xuống dưới hàm và làm mất rãnh dưới hàm; tuy nhiên da vùng sưng không nóng đỏ. Trẻ thường sưng cả 2 bên tuyến mang tai, bên này sau bên kia vài giờ đến vài ngày.
Khi trẻ bị bệnh quai bị, cần lưu lý một số điều khi chăm sóc trẻ như cần hạn chế đi lại, nhất là trong thời gian còn sốt và sưng tuyến nước bọt (4 - 6 ngày đầu) để phòng biến chứng viêm tinh hoàn. Chườm nóng vùng hàm, nếu đau nhiều có thể dùng thuốc giảm đau (Aspirine, Paracetamol). Ăn nhẹ và lỏng những ngày đầu. Súc miệng bằng nước muối sau khi ăn. Không được đắp lá cây, bôi vôi vào vùng sưng vì có thể gây phỏng, tăng nguy cơ dẫn đến bội nhiễm. Cần theo dõi bệnh nhân thường xuyên, phát hiện sớm các biến chứng để có thái độ xử trí kịp thời. Cần đưa trẻ đến khám ngay tại cơ sở y tế nếu trẻ có biểu hiện sưng đau tinh hoàn; đau nhức đầu, lơ mơ, co giật; nôn, đau bụng; có bất thường ở mắt, tai và các cơ quan khác.
Để hạn chế sự lây lan của bệnh, khi phát hiện có bệnh nhân quai bị cần cách ly bệnh nhân. Điều trị tại nhà, điều trị theo chỉ dẫn của y tế cơ sở đối với các trường hợp bệnh nhẹ. Thời gian cách ly cần thiết ít nhất 7 ngày sau khi khởi phát, tốt nhất được 14 ngày. Biện pháp dự phòng chủ động có hiệu quả nhất đối với bệnh quai bị là sử dụng vắc-xin quai bị.
Bác sĩ HUỲNH VĨNH THU
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)