Nhổ hết hàm, mới biết không phải đau răng
Đến chiều 23.5, bệnh nhân Nguyễn Thị Kim Châu (66 tuổi, TP Quy Nhơn, ảnh - bên trái) được giải quyết gần như hoàn toàn cơn đau nhức ở mặt trái và tình trạng giật mặt kéo dài 7 năm nay.
“Hồi đầu bệnh không sao, càng về sau càng đau nhức, ăn uống không được, lúc nào cũng thấy căng thẳng. Đi khám bác sĩ bảo tôi mắc bệnh đau răng, nhổ răng hàm dưới, nhưng bệnh vẫn không khỏi. Vào bệnh viện mới phát hiện ra là bị chèn ép dây thần kinh số V và số VII. Sau phẫu thuật, cơn đau và giật mặt không còn, ăn uống bình thường”, bà Châu cho biết.
Bà Châu là một trong những ca bệnh điển hình của tình trạng “đau một đằng, chữa một nẻo” của bệnh nhân bị chèn ép dây thần kinh số V (đau nhức một bên mặt) và chèn ép dây thần kinh số VII (giật một bên mặt) điều trị tại khoa Ngoại Thần kinh cột sống (BVĐK tỉnh). Trưa 22.5, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật, giải phóng chèn ép dây thần kinh cho bệnh nhân Châu.
Theo bác sĩ Đào Văn Nhân, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh cột sống, bệnh lý chèn ép dây thần kinh số V gây ra đau nhức một bên mặt rất thường gặp, nhưng cũng dễ bị bác sĩ không chuyên khoa, nha sĩ bỏ qua mà chỉ nghĩ bệnh đau răng. “Nha sĩ thiếu kinh nghiệm sẽ không phát hiện bệnh nhân đau dây thần kinh V và sẽ nhổ răng theo yêu cầu bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân vào bệnh viện mới biết mình đã bị… nhổ oan cả hàm răng”, bác sĩ Nhân nói.
Bác sĩ Đào Văn Nhân khuyến cáo, bệnh nhân đau nửa mặt đi điều trị (thường bị nhổ một, hai cái răng rồi) mà bệnh nhân vẫn không hết đau thì nên nghĩ đến bệnh lý chèn ép thần kinh số V để chẩn đoán, xác định và điều trị kịp thời. Còn trường hợp bệnh giật mặt ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày thì phải nghĩ đến bệnh lý chèn ép dây thần kinh số VII.
HOÀNG ANH