Chuyển tuyến khám, chữa bệnh BHYT vùng giáp ranh: Tạo thuận lợi cho bệnh nhân
Năm 2019, người bệnh có thẻ BHYT địa bàn vùng giáp ranh của tỉnh Phú Yên, Gia Lai, trường hợp vượt khả năng chuyên môn được chuyển tuyến một số cơ sở y tế của Bình Ðịnh được hưởng đầy đủ các chế độ khám chữa bệnh BHYT.
Người bệnh có thẻ BHYT đăng ký khám, chữa bệnh (KCB) thuộc các địa phương: Sông Cầu (Phú Yên) và An Khê, KBang, Đăk Pơ, Kông Chro (Gia Lai) nếu vượt quá khả năng chuyên môn được chuyển tuyến đến các bệnh viện địa bàn tỉnh Bình Định, gồm: BVĐK tỉnh, Bệnh viện Mắt (bệnh mắt trẻ em), Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa (bệnh da liễu), Bệnh viện Chỉnh hình - Phục hồi chức năng Quy Nhơn, Bệnh viện Tâm thần.
Ông Nguyễn Ngọc Tùng được điều trị tại Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa.
Vừa tiện, vừa lợi
Sau một tuần nằm điều trị nội trú những tổn thương nặng do viêm da bàn tay, bàn chân tại Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa, ông Nguyễn Ngọc Tùng (TX Sông Cầu, Phú Yên) cho biết bệnh đã đỡ hẳn. “Ra đây điều trị có BHYT không phải đóng thêm tiền. Bà con chỗ tôi đều thích chuyển viện ra bệnh viện Bình Định”, ông Tùng vui vẻ nói.
Năm 2018, bệnh nhân BHYT Phú Yên chiếm khoảng 7% tổng bệnh nhân, còn Gia Lai chiếm hơn 23% bệnh nhân của Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa. TS Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa cho hay, thay vì bệnh nhân phải chuyển tuyến từ bệnh viện tuyến tỉnh lên Trung ương thì nay được chuyển thẳng từ các TTYT đến cơ sở điều trị của chúng tôi.
Đến sáng 24.5, sau một tuần điều trị tích cực tại khoa Ngoại Thần kinh cột sống (BVĐK tỉnh), bé Đinh Văn Khư (huyện KBang, Gia Lai) bị chấn thương sọ não đã qua cơn nguy hiểm. Bệnh nhân được TTYT huyện KBang chuyển viện trực tiếp từ tối 15.5 và ngay lập tức được đưa vào cấp cứu, phẫu thuật. Trong hơn 100 bệnh nhân tại khoa Ngoại Thần kinh cột sống, tại thời điểm chiều 23.5 có 5 bệnh nhân ở vùng giáp ranh của Gia Lai và 9 bệnh nhân của Phú Yên.
Hiệu quả điều trị bệnh nhân phụ thuộc rất lớn vào “thời gian vàng” và sự đồng bộ của các dịch vụ kỹ thuật. Việc chuyển tuyến bệnh nhân đến thẳng bệnh viện của tỉnh Bình Định không chỉ gần, giảm chi phí mà còn giúp bệnh nhân được hưởng chất lượng điều trị tốt đến mức có thể. Bác sĩ CKI Ngô Xuân Thế, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp (BVĐK tỉnh) thông tin, riêng bệnh nhân chuyển tuyến từ các vùng giáp ranh, năm 2018, bệnh viện có hơn 6.470 lượt điều trị nội trú, hơn 3.100 lượt ngoại trú, với gần 50 tỉ đồng. Việc chuyển tuyến như vừa áp dụng thật sự ưu việt, hướng đến lợi ích tốt nhất cho bệnh nhân ngoài tỉnh được thanh toán BHYT như bệnh nhân trong tỉnh.
Vẫn còn băn khoăn
Tuy nhiên quy định chuyển tuyến vùng giáp ranh như hiện tại vẫn để lại một số băn khoăn. Nằm ở phía Bắc tỉnh, BVĐK khu vực Bồng Sơn tiếp nhận điều trị bệnh nhân đến từ các xã phía nam của huyện Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi), nhưng bệnh nhân vẫn chưa được hưởng chế độ thanh toán BHYT vùng giáp ranh. Giám đốc bệnh viện Trần Quốc Việt cho biết, bệnh nhân huyện Đức Phổ vào viện cấp cứu vẫn được hưởng 100% BHYT, bệnh nhân KCB nội trú được hưởng 60%. Lượng bệnh nhân chuyển tuyến từ địa bàn này đến bệnh viện còn ít. Thời gian tới, chúng tôi triển khai thêm nhiều kỹ thuật, cơ sở vật chất tốt hơn để có thể tiếp nhận điều trị bệnh nhân chuyển tuyến ở địa bàn giáp ranh.
Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng khẳng định: “Quy định cụ thể về việc chuyển tuyến đạt song song mục tiêu thuận lợi cho người bệnh và bệnh viện. Bộ Y tế quy định, Sở Y tế các tỉnh thống nhất đơn vị chuyển tuyến theo nhu cầu người bệnh và phù hợp khả năng chuyên môn của đơn vị chuyển tuyến đến cũng như “địa chỉ” tiếp nhận. Chúng tôi thống nhất lựa chọn đơn vị và dịch vụ kỹ thuật chuyển tuyến phù hợp, tránh quá tải, không đảm bảo cơ sở, dịch vụ y tế”.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi cũng như ghi nhận nhiều ý kiến băn khoăn từ bệnh nhân lẫn cơ sở KCB về việc điều trị bệnh nhân chuyển tuyến BHYT không được triển khai rộng rãi. Nguyên nhân là năm 2019, BHXH thay đổi cơ chế thanh toán BHYT, tức bệnh nhân KCB BHYT ở đâu thì trừ dự toán BHYT ở đó, khác với trước đây thẻ KCB BHYT ở đâu thì trừ chi phí KCB BHYT ở đó. Điều này rất dễ dẫn đến việc bệnh viện “cân nhắc” chỉ định điều trị để tránh vượt dự toán BHYT và quá nhiều thủ tục rườm rà trong giải trình, thanh quyết toán.
Phó Giám đốc BHXH tỉnh Hà Thúc Chí cho biết, cơ quan BHXH tỉnh giải thích rõ vấn đề vượt dự toán do tăng số lượt KCB so với năm trước sẽ được đưa vào yếu tố khách quan để thanh toán, tránh tình trạng cơ sở KCB lo ngại vô tình để xảy ra “cấm vận” trong KCB BHYT, thiệt thòi quyền lợi người tham gia BHYT, ảnh hưởng đến chính sách.
MAI HOÀNG