Về Lộ Diêu thăm bến tàu không số
Ðến giờ, vùng biển Lộ Diêu (xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn) vẫn chưa được nhiều người biết đến. Nhưng vẻ đẹp hoang sơ, những gành đá kỳ bí như những trận đồ của Lộ Diêu được hầu hết các tay máy chụp ảnh phong cảnh tìm đến. Lộ Diêu còn là nơi cập bến của những chuyến tàu không số.
Biển Lộ Diêu hoang sơ.
Một bờ biển thoai thoải trải dài, bên này bờ cát, bên kia biển xanh; những ghềnh đá nhấp nhô, rêu xanh vào mùa. Chiều trên bãi biển Lộ Diêu êm êm sóng vỗ, ngồi ngắm một vùng biển trời xanh trong và nghe chuyện kể về những chuyến tàu không số có lẽ là một trải nghiệm khó quên.
Vùng biển đẹp và sứ mệnh lịch sử
Theo những người dân địa phương, trước khi xuống bãi biển chúng tôi tìm đến nơi đặt bia di tích lịch sử “Tàu Không Số”. Những ngày này, phần đất thuộc phạm vi di tích đang được giải phóng mặt bằng, san lấp để tôn tạo khu di tích lịch sử này khang trang hơn.
Nơi đặt bia di tích nơi cập bến tàu không số ở Lộ Diêu.
Trên tấm bia di tích ghi rõ thời gian chiếc tàu vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường cập bến Lộ Diêu vào ngày 1.11.1964. Đó là chuyến tàu đầu tiên cập bến Khu V, góp phần vào sự hình thành của con đường huyền thoại “đường mòn Hồ Chí Minh trên biển”. Việc tàu không số cập bến Lộ Diêu thành công là một chiến công lớn của quân và dân Bình Định.
Hiện tại, tour tham quan Lộ Diêu và các làng nghề ở Hoài Nhơn, hoặc kết nối tour ra tới biển Sa Huỳnh (Ðức Phổ, Quảng Ngãi) đều chưa có tour cụ thể; chỉ có những điểm tham quan độc lập và bạn tự kết nối theo nhu cầu.
Với địa thế 3 mặt tựa núi, 1 mặt hướng biển, đường đến Lộ Diêu uốn lượn qua những đoạn đèo dốc quanh co. Nếu đi từ phía Tam Quan, Hoài Hương sẽ qua đèo Lộ Diêu (xã Hoài Mỹ), nếu men theo đường biển từ Phù Mỹ sẽ qua đèo Hà Ra (xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ). Đi lối nào thì cung đường vượt đèo để đến Lộ Diêu cũng khá thú vị, bên này sườn núi cao, đường uốn lượn, bên kia là biển xanh, đáng để cho du khách đi “phượt” một lần.
Cả một vùng biển đẹp đến sững người này đến giờ vẫn chưa được đánh thức. Những tour, tuyến du lịch về Lộ Diêu chưa được xây dựng để Lộ Diêu đón du khách đến với mình.
Kết nối tour Lộ Diêu - Sa Huỳnh
Ở Hoài Nhơn, không chỉ có biển, có núi, nơi đây có nhiều điều kiện về tự nhiên, văn hóa, lịch sử để hình thành các tour du lịch đặc biệt riêng có ở Hoài Nhơn. Đó là trải nghiệm biển ruổi rong từ Lộ Diêu ra Tam Quan Bắc; thưởng thức đặc sản cá bò gù ở làng biển Thiện Chánh (Tam Quan Bắc), kết hợp thăm các làng nghề truyền thống mang đặc trưng xứ dừa và trải nghiệm các công đoạn chế biến đặc sản bánh tráng nước dừa, kẹo dừa, bánh dừa dòn… Tất cả đều được gói gọn trong một lộ trình rất gọn ghẽ nhưng đa dạng.
Làng cói và nghề dệt chiếu cói Hoài Châu Bắc, một điểm dừng chân cho du khách khi ra tới vùng đất này.
Từ Tam Quan Bắc chỉ còn một quãng ngắn nữa là ra đến làng chiếu Chương Hòa, vượt đèo Bình Đê là bạn đã đến Sa Huỳnh (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi).
Tour du lịch 2 ngày 1 đêm ở Hoài Nhơn - Sa Huỳnh là gợi ý thích hợp cho bất kỳ ai. Nếu bạn di chuyển từ TP Quy Nhơn thì nên ra thẳng tới Đức Phổ (Quảng Ngãi) trong ngày đầu tiên, hợp lý nhất là nên đến nơi vào giữa chiều mát, điểm đầu tiên dừng chân là di tích lịch sử Bệnh xá Đặng Thùy Trâm (xã Phổ Cường, Đức Phổ, Quảng Ngãi), sau đó di chuyển đến biển Sa Huỳnh. Trên đường bạn nên ghé thăm Nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh (xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ), ngắm đồng muối Sa Huỳnh trong ánh hoàng hôn; check in tại các điểm nghỉ ngơi xung quanh bãi biển Sa Huỳnh. Tối đến thưởng thức hải sản ngon, đêm mơ màng trong tiếng sóng và đón bình minh trên bãi biển vào sáng sớm quả là thú vị.
Gói gọn trong tour kết hợp tham quan Hoài Nhơn (Bình Định) tới Đức Phổ (Quảng Ngãi), Bệnh xá Đặng Thùy Trâm là nơi bạn nên ghé thăm một lần.
Đón bình minh trên biển Sa Huỳnh xong, bạn có thể tiếp tục hành trình thăm làng nghề dệt chiếu cói ở Hoài Châu Bắc, rồi di chuyển tới Tam Quan Bắc thưởng thức đặc sản cá bò gù. Từ đây, theo con đường ven qua cầu Lại Giang nối Hoài Hương với Hoài Hải cũng là một điểm check in thú vị. Nếu đến buổi chiều mát, bạn sẽ có dịp gặp gỡ và trò chuyện với những người mưu sinh với nghề cào ốc gạo trên sông, thưởng thức món ốc gạo xào ớt, sả chấm muối tiêu. Điểm dừng chân cuối cùng trong hành trình là bãi biển Lộ Diêu. Ngắm hoàng hôn loang trên mặt biển, thưởng thức bữa tối trên bờ cát, dựng trại, đốt lửa đêm và ngủ một giấc thư giãn giữa thiên nhiên.
THU DỊU