Quản lý hành lang an toàn đường sắt: Lắm bất cập, nhiều vướng mắc
Tuyến đường sắt Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh đang tồn tại tình trạng nhiều người dân tự ý xây dựng nhà ở, đường giao thông trong phạm vi hành lang an toàn, khiến khu vực này luôn bị đe dọa bởi tai nạn giao thông đường sắt.
Hành lang ATGT đường sắt bị lấn chiếm để làm đường giao thông tại Km 1043 - Km 1044 đoạn qua huyện Phù Mỹ.
Ngang nhiên xây lấn và chây ì
Theo quy định, chỉ giới đảm bảo an toàn công trình đường sắt là 8,6 m tính từ mép đường ray ngoài cùng, song tại lý trình Km 1012+393, tuyến đường sắt Bắc - Nam, đoạn qua xã Hoài Tân, huyện Hoài Nhơn, gia đình ông Huỳnh Văn T. đã ngang nhiên xây dựng công trình nhà ở, lấn chiếm phạm vi an toàn đường sắt gần 3 m, dài 15,5 m; thậm chí ông này còn san lấp miệng cống thoát nước gây ảnh hưởng đến kết cấu công trình. Ngành chức năng đã nhiều lần làm việc, lập biên bản vi phạm, yêu cầu phải tháo dỡ công trình, song chủ nhà vẫn cố tình làm ngơ. Ông Đỗ Văn Hiếu, Cung trưởng Cung quản lý an toàn Tam Quan, Công ty CP đường sắt Nghĩa Bình, cho biết: Đối với trường hợp này, khi phát hiện chúng tôi đã nhắc nhở và tiến hành lập biên bản yêu cầu dừng thi công và tháo dỡ phần vi phạm, song sau khi ký biên bản và hứa dừng lại thì họ vẫn tiếp tục xây dựng.
“Chúng tôi biết, đường bộ và đường sắt ngay sát nhau mà không có ngăn cách là rất nguy hiểm. Để tháo dỡ, người dân yêu cầu đền bù nhưng phía đường sắt không chấp thuận”.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Mỹ Phong, huyện Phù Mỹ
Bên cạnh việc xây dựng công trình trái phép trong phạm vi hành lang an toàn đường sắt, nhiều vị trí trên tuyến đường sắt qua địa bàn tỉnh hiện vẫn còn xảy ra tình trạng người dân tháo dỡ rào chắn tự mở lối đi. Nguyên nhân là do nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, trong khi việc xây dựng đường gom tại những khu vực này vẫn còn bất cập. Đơn cử, tại Km 1037 đoạn qua xã Mỹ Phong, huyện Phù Mỹ, đường tàu chạy và đường bê tông song song sát nhau rất nguy hiểm. Nhưng để di dời con đường này không hề dễ dàng. Giải pháp trước mắt được đưa ra, đó là xây dựng hàng rào đảm bảo an toàn. Thế nhưng, khi hàng rào xây lên lại chiếm diện tích mặt đường, khiến việc lưu thông khó khăn nên người dân phản đối. Vậy nên, đã 3 lần các cơ quan chức năng làm việc với người dân song vẫn chưa có tiếng nói chung. Ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Mỹ Phong, huyện Phù Mỹ, chia sẻ: “Chúng tôi biết, đường bộ và đường sắt ngay sát nhau mà không có ngăn cách là rất nguy hiểm. Để tháo dỡ, người dân yêu cầu đền bù nhưng phía đường sắt không chấp thuận”.
Địa phương bỏ lơ trách nhiệm
Theo các cơ quan chức năng, vấn đề xử lý vi phạm hành lang an toàn đường sắt hiện gặp không ít khó khăn. Vì liên quan trực tiếp đến lợi ích, nên khi xử lý người dân đều tìm cách né tránh, đối phó, trong khi đó, nhiều nơi, chính quyền địa phương còn buông lỏng công tác quản lý, khiến việc vi phạm diễn ra khó kiểm soát. Đơn cử, tại Km1043 - Km1044 tuyến đường sắt Bắc - Nam, qua xã Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ, người dân đã tự ý xây dựng công trình. Đáng nói, sai phạm này bắt đầu diễn ra từ cuối năm 2017. Đơn vị quản lý đường sắt và lực lượng CSGT phát hiện, lập biên bản và thông báo với chính quyền địa phương yêu cầu người dân ngừng việc thi công và phối hợp xử lý, song đến nay vi phạm vẫn không được xử lý. Trả lời thắc mắc của chúng tôi, tại sao chừng ấy thời gian mà địa phương vẫn chưa có biện pháp khắc phục, đảm bảo an toàn, ông Trần Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ, chỉ... im lặng(?).
Trung tá Đỗ Thanh Bình, Đội trưởng Đội CSGT đường sắt, Phòng CSGT CA tỉnh, cho rằng, chính quyền địa phương quản lý trực tiếp đất đai, cũng như dân cư ở đó, vì vậy khi xảy ra việc lấn chiếm đất thuộc phạm vi hành lang an toàn đường sắt, địa phương phải chịu trách nhiệm, song thực tế, tại một số nơi, địa phương lại buông lỏng công tác quản lý, bỏ lơ trách nhiệm, để khi sự việc xảy ra thì là chuyện... đã rồi, khiến cho việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn.
Rõ ràng, khi chính quyền địa phương không vào cuộc quyết liệt thì những vi phạm hành lang an toàn đường sắt vẫn sẽ tiếp tục tái diễn, nguy cơ mất ATGT đường sắt vẫn hiện hữu. Do đó rất cần sự phối hợp đồng bộ và quyết liệt giữa các bên liên quan để không xảy ra những thiệt hại không đáng có do vi phạm các quy định đảm bảo an toàn về đường sắt.
K.ANH