Roland Jacques & nơi phôi thai của chữ Quốc ngữ
Ở tác phẩm “Các nhà truyền giáo Bồ Ðào Nha và thời kỳ đầu của Giáo hội Công giáo Việt Nam”, theo cách lập luận của tác giả - Roland Jacques, luận điểm Nước Mặn (Tuy Phước, Bình Ðịnh) là nơi phôi thai của chữ Quốc ngữ, thêm một lần nữa được khẳng định.
Công trình ghi danh 3 linh mục Dòng Tên: Francesco Buzomi, Christoforo Borri (người Ý) và Francisco de Pina (Bồ Đào Nha) và tu huynh António Dias (Bồ Đào Nha) - những người có công sáng tạo chữ Quốc ngữ - tại thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước.
Trong phần dẫn nhập khảo luận trong tập sách vừa kể, Roland Jacques nêu vấn đề, việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ là cả một quá trình, là công việc tập thể của nhiều giáo sĩ; những bản dịch văn bản Kitô giáo ra tiếng Việt có từ năm 1618; những người làm công việc ấy là ba tu sĩ Dòng Tên bấy giờ có mặt tại cư sở Nước Mặn (Pulocambi) là Buzomi, Pina và Borri.
Roland Jacques là người Pháp, là nhà khoa học chuyên về Giáo luật Công giáo, Tiến sĩ luật học tại Ðại học Paris-XI và Tiến sĩ giáo luật tại Học viện Công giáo Paris, ông còn ghi danh học xong chương trình Ban cử nhân và tiền tiến sĩ (DEA) về Việt học và Viễn Ðông học tại Ðại học Viện các Ngôn ngữ và Văn minh Ðông phương Quốc gia ở Paris. Khả năng chuyên môn nổi bật của Roland Jacques là ngôn ngữ, ông không những thông thạo các ngôn ngữ mà trước đây Alexandre de Rhodes đã sử dụng mà còn sành sỏi các thứ tiếng khác như: Hy Lạp, Do Thái, Latin, Bồ Ðào Nha, Ý, Anh, Pháp, Ðức, Tây Ban Nha, Việt Nam, Hán…
Tác phẩm của Roland Jacques là công trình nghiên cứu về những thập niên đầu của Kitô giáo tại Việt Nam, ghi lại nhiều sự kiện lịch sử, được thu thập một cách công phu. Đó là những bản tường trình viết tay, đặc biệt là những bản báo cáo chính thức và trao đổi thư từ riêng tư giữa các tu sĩ Dòng Tên, phần lớn được lưu trữ ở Lisbon (Bồ Đào Nha), Madrid (Tây Ban Nha) và nhất là ở Roma (Ý), rải rác trong nhiều bộ sưu tập, được viết bằng tiếng Bồ Ðào Nha, một số ít bằng tiếng Latin và bằng tiếng Ý. Tập sách người đọc có thêm điều kiện tiếp cận với nguồn tư liệu liên quan công trình sáng tạo chữ Quốc ngữ vào đầu thế kỷ XVII do Giáo hội Công giáo lưu trữ.
Sau khi nghiên cứu và dịch bản báo cáo thường niên năm 1619 từ tiếng Bồ sang tiếng Anh, Jason M. Wilber (một nhà nghiên cứu người Anh) nhận định, các thừa sai Dòng Tên ở Nước Mặn, gồm: Buzomi, Pina, Borri là những người đầu tiên chuyên tâm nghiên cứu ngôn ngữ hơn bất cứ điều gì khác. Jason M. Wilber viết: “Tác giả bức thư cho thấy, các thừa sai Dòng Tên ở Nước Mặn là những người đầu tiên chuyên tâm nghiên cứu ngôn ngữ này hơn bất cứ điều gì khác. Việc nghiên cứu ấy không phải đợi đến 32 năm sau, năm 1651, nó mới được thực hiện nơi quyển từ điển đầu tiên Việt-Bồ-La do Alexandre de Rhodes (hay như một số người đã Việt hóa là Đắc Lộ), thừa sai Dòng Tên làm nên”.
Daniello Bartoli (1608 - 1685) - Nhà sử học Dòng Tên, người cùng thời với Buzomi và Pina nhận xét về trình độ hiểu biết tiếng Việt của Buzomi vào năm 1623 như sau: “Ngoài ra, trí nhớ sâu sắc như một thiên tài cùng với sự nhiệt tình tuyệt vời đã giúp cha học nhanh ngôn ngữ đó [Đàng Trong], nắm bắt tính đa nghĩa của từ, tính chất của các dấu nhấn và cung giọng được thể hiện theo ý muốn. Nhờ vậy, trong một thời gian ngắn, cha đã biên soạn từ vựng và luật mẹo ngữ pháp tốt đẹp”. Bartoli còn cho biết, Pina và Buzomi có thể thuyết giáo, trao đổi với các nhân sĩ bằng tiếng Đàng Trong: “Cha Pina và cha Buzomi là những thừa sai nắm bắt được ngôn ngữ thông dụng của Đàng Trong, có thể thuyết giáo, trao đổi với các nhân sĩ và các vị sãi, trong các việc riêng tư hay trong nơi công hội”.
***
Như vậy từ các tư liệu do Giáo hội Công giáo lưu trữ, có thể hiểu rằng, trước Alexandre de Rhodes, chữ Quốc ngữ đã thành hình, tuy ở giai đoạn phôi thai nhưng đã có những ứng dụng thực tế rõ ràng. Đầu thế kỷ XX, chữ Quốc ngữ bắt đầu được sử dụng chính thức ở Việt Nam, người ta cố truy tìm lịch sử của nó, bấy giờ Alexandre de Rhodes đã sớm được công nhận như là người khai sinh ra việc chuyển vần Latin vào tiếng Việt. Nhưng đến năm 1994, khi Roland Jacques viết công trình nghiên cứu “Bồ Đào Nha và công trình sáng chế chữ Quốc ngữ: Phải chăng cần viết lại lịch sử?” vấn đề vốn âm ỉ từ nhiều năm trước đã được xới lên với nhiều nhà nghiên cứu tham gia. Nhiều học giả đã nhìn nhận lại: Việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ là cả một quá trình, là công việc tập thể của nhiều giáo sĩ phương Tây và đó là một công việc thật sự giàu tinh thần khoa học.
Tác phẩm “Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của Giáo hội Công giáo Việt Nam”.
Tuy nhiên nói như vậy không có nghĩa có thể phủ nhận vai trò, đóng góp của Alexandre de Rhodes. Nói tới chữ Quốc ngữ, đặc biệt là người Việt Nam luôn ghi nhận ông là người có công lớn - tổng hợp và hệ thống hóa những kết quả sáng tạo của những thừa sai đi trước như chính ông đã nói rõ trong phần Cùng độc giả ghi rõ ràng tại cuốn từ điển nổi tiếng - Từ điển Việt-Bồ-La.
Từ năm 1961, trong lời tựa tập sách Giáo sĩ Đắc Lộ và tác phẩm chữ Quốc ngữ đầu tiên, Nguyễn Khắc Xuyên - Phạm Đình Khiêm ghi nhận: “Việc sáng chế chữ Quốc ngữ là một công trình tập thể của một số giáo sĩ người Âu, đa số là Bồ Đào Nha, với sự tham gia trực tiếp của một số người Việt dạy tiếng mẹ đẻ cho các giáo sĩ” và Đắc Lộ “chiếm công đầu trong việc hoàn thành và phổ biến lối phiên âm Việt ngữ bằng mẫu tự La-mã, quen gọi là chữ Quốc ngữ”.
Bản chuyển ngữ một bức thư của Pina viết năm 1623 ra Việt ngữ từ tiếng Pháp có đối chiếu bản tiếng Anh của dịch giả Trần Duy Nhiên có chép: “Về phần con, con đã soạn một tập nhỏ về chữ viết và về các cung điệu của ngôn ngữ này; con hiện đang bắt tay vào ngữ pháp. Tuy nhiên, mặc dù con cũng đã tập hợp những câu chuyện thuộc nhiều thể loại khác nhau để ghi trích dẫn của các tác giả, hầu xác định ý nghĩa của các từ ngữ và các mẹo luật ngữ pháp, thì cho đến giờ này con vẫn còn phải nhờ một người đọc để con ghi ra bằng mẫu tự Bồ Đào Nha”.
Tiểu chủng viện Làng Sông (Phước Thuận, Tuy Phước) nơi có 1 trong 3 nhà in đầu tiên ở Việt Nam.
Như vậy, giống như Buzomi và Bori, nhà truyền giáo Pina cũng chỉ mới tự soạn một phương pháp ký hiệu phiên âm tiếng Việt bằng chữ Latin để sử dụng cho riêng mình học tiếng Việt, Pina chưa làm được công việc mà sau đó các giáo sĩ Gaspar d’Amaral, Antonio Barbosa và đặc biệt là Alexandre de Rhodes thực hiện, đó là biên soạn Tự điển và biên soạn Văn phạm.
Linh mục Bề trên Buzomi là người mở trường dạy tiếng Việt đầu tiên cho những người ngoại quốc tại Nước Mặn. Năm 1622, sau khi gọi linh mục Borri về Macao, Bề trên đưa ba linh mục: Emmanuel Fernández, Emmanuel Borges (Bồ Đào Nha), Giovani Leira (Ý) và thầy Romano Niti (Nhật) vào Đàng Trong. Fernández thay Marquez ở Hải Phố (Hội An), Marquez đi giúp Pina ở Dinh Chiêm (dinh Quảng Nam), hai linh mục: Borges và Leira vào Nước Mặn học tiếng Việt và tập sự với linh mục Buzomi. Năm 1624, có bốn linh mục đến Đàng Trong, linh mục Gaspar Luis (Bồ) cùng linh mục Girolamo Majorica (Ý) vào Nước Mặn học tiếng Việt từ linh mục Buzomi, Alexandre de Rohdes và Antonio de Fontes đến Dinh Chiêm học tiếng Việt với Pina.
Với những chứng cứ khoa học hiện biết, có thể xác định giai đoạn đầu (1618 - 1622), Linh mục Bề trên Francesco Buzomi (Ý) và hai cộng sự là Francisco de Pina (Bồ Đào Nha), Christophoro Borri (Ý) là ba thừa sai Dòng Tên đầu tiên sáng tạo phôi thai chữ Quốc ngữ - “chữ Quốc ngữ tiền Alexandre de Rhodes” và không có cơ sở để xác định ai là người đầu tiên duy nhất. Công lao của các giáo sĩ khác như: Gaspar d’ Amaral, Antonio Barbosa và nhất là Alexandre de Rhodes là ở các giai đoạn sau - giai đoạn hình thành chữ Quốc ngữ, thường được kể từ sau năm 1626. Và điều mà ta hoàn toàn có thể khẳng định - Nước Mặn vừa là nơi phôi thai chữ Quốc ngữ vừa là nơi có Trường dạy Quốc ngữ đầu tiên của các giáo sĩ Dòng Tên.
NGUYỄN THANH QUANG