Đề xuất thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh dài 3183 km vào năm 2020
Theo Chính phủ, dự án đường Hồ Chí Minh bước đầu đã phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của cả nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là ở các khu vực có tuyến đường đi qua và chứng minh chủ trương xây dựng đường Hồ Chí Minh là đúng đắn.
Theo Quy hoạch tổng thể đường Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phân kỳ thực hiện Dự án theo 3 giai đoạn đầu tư như sau: Giai đoạn 1 (từ năm 2000 - 2007): Đầu tư hoàn chỉnh với quy mô 2 làn xe bao gồm cả kiên cố hóa và chống sạt lở đoạn từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum). Cho phép một số điểm kiên cố hóa khó khăn hoàn thành trong năm 2008; Giai đoạn 2 (từ năm 2007 - 2010): Đầu tư để nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) với quy mô hai làn xe; Giai đoạn 3 (từ năm 2010 - 2020): Hoàn chỉnh toàn tuyến và từng bước xây dựng các đoạn, tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp với quy hoạch được duyệt và khả năng nguồn vốn, trong đó lưu ý kết nối với quy hoạch hệ thống đường sắt, đường ngang và các quy hoạch khác có liên quan.
Giai đoạn 1 của Dự án đến nay đã cơ bản hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng với tổng chiều dài khoảng 1.350 km, quy mô 2 làn xe. Kết quả thực hiện đã được Hội đồng cấp Nhà nước nghiệm thu năm 2008. Về Giai đoạn 2 của Dự án, đến quý IV năm 2008 trở đi, các Dự án thành phần mới cơ bản được triển khai thi công đồng loạt nên đã không thể hoàn thành theo tiến độ Nghị quyết 38 đề ra. Như vậy, tính đến năm 2013 thì tiến độ thực hiện Dự án ở Giai đoạn 2 (đến năm 2010) đã chậm 3 năm so với yêu cầu thông tuyến 2 làn xe như nêu trong Nghị quyết 38. Giai đoạn 3 (từ năm 2010-2020) theo Nghị quyết 38 đây là giai đoạn nâng cấp đường Hồ Chí Minh đạt tiêu chuẩn đường cao tốc; những đoạn không thể nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cao tốc thì mở rộng mặt cắt ngang đường phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông đường bộ. Hiện nay, các Dự án thuộc giai đoạn này đã được Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải phân kỳ đầu tư và xác định một số đoạn, tuyến có chiều dài khoảng 445 km sẽ xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc để thực hiện ngay trong giai đoạn 2012 - 2020. Các đoạn, tuyến khác được quy hoạch đầu tư sau năm 2020 với tổng chiều dài khoảng 1887 km. Tuy nhiên, do giai đoạn thông tuyến 2 làn xe chưa hoàn thành nên Chính phủ chưa trình Quốc hội phương án đầu tư, nâng cấp và dự toán tổng mức đầu tư cho giai đoạn này như yêu cầu nêu trong Nghị quyết 38 để trình Quốc hội. Do vậy, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho lùi thời hạn thông xe toàn tuyến với quy mô 2 làn xe từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) với tổng chiều dài 3183 km (tuyến chính dài 2499 km và nhánh Tây là 684 km) vào năm 2020. Mặt cắt ngang đường được quy hoạch theo từng đoạn với quy mô từ 2 đến 6 làn xe. Đồng thời, hoàn thành nâng cấp đoạn qua Tây Nguyên (Quốc lộ 14) vào năm 2016; nâng cấp các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc thực hiện sau năm 2020 và phù hợp với Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam. Chính phủ cũng đề xuất nguồn vốn đầu tư để thông toàn tuyến sẽ được bố trí từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ khoảng 24.000 tỷ đồng (giai đoạn từ 2014 - 2016 khoảng 10.000 tỷ đồng và giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 14.000 tỷ đồng); huy động theo hình thức BT, BOT, PPP và nguồn vốn vay ODA cho các đoạn tuyến còn lại từ các nguồn vốn hợp pháp khác. Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường cho rằng, dự án được triển khai đã cơ bản bám sát yêu cầu của Nghị quyết 38. Đặc biệt, việc hoàn thành, đưa vào sử dụng đường Hồ Chí Minh đoạn từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum) khoảng 1.350 km đã mang lại hiệu quả nhiều mặt, hiệu quả tổng hợp đối với các địa phương nơi Dự án đi qua. Nhưng tiến độ thực hiện Dự án ở một số đoạn, tuyến còn chậm ở những mức độ khác nhau so với yêu cầu của Nghị quyết 38; chưa có kế hoạch cụ thể, thích hợp cũng như điều chỉnh kịp thời kế hoạch huy động vốn, giải ngân để đảm bảo tiến độ và hiệu quả của Dự án; chất lượng một số đoạn, tuyến của Dự án chưa đảm bảo theo yêu cầu tiêu chuẩn; hiệu quả khai thác ở một số đoạn, tuyến đến nay chưa cao, lưu lượng xe vận tải còn thấp. Vì vậy, Ủy ban nhất trí với đề xuất điều chỉnh một số nội dung dự án như trong tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị Chính phủ cần làm rõ hơn việc điều chỉnh nhánh Đông từ Khe Cò đến Bùng có phát sinh thêm khối lượng xây dựng và tổng mức đầu tư không; giải trình rõ hơn căn cứ điều chỉnh hướng các đoạn, tuyến Cam Lộ - Túy Loan và Lộ Tẻ - Gò Quao khác với lập luận về tính hiệu quả, mức độ ưu tiên như trong Báo cáo giải trình của Chính phủ khi đề nghị Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư năm 2004. Ủy ban KH,CN&MT cũng đề nghị kéo dài tiến độ thực hiện giai đoạn 2 (thông toàn tuyến từ Pắc Bó đến Đất Mũi) đến năm 2020, khi cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh và các đoạn, tuyến quan trọng khác hoàn thành. Trong đó, từ năm 2013 đến 2016 tập trung hoàn thành đoạn qua Tây Nguyên (Quốc lộ 14) và các đoạn có nhu cầu cấp thiết đã được phê duyệt Dự án đầu tư và xác định nguồn vốn.
. Theo Vân An (Hà Nội mới)