Thực hiện chính sách y tế vùng dân tộc thiểu số: Nhiều khó khăn, thách thức
Thiếu hụt bác sĩ, chưa đồng bộ về đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị y tế, năng lực cung cấp dịch vụ y tế chưa đáp ứng nhu cầu người dân…, là những thách thức trong thực hiện chính sách, pháp luật về y tế vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, được chỉ ra qua đợt giám sát của Ban Dân tộc của HÐND tỉnh trong tháng 5 này.
Nội dung giám sát tập trung vào tình hình thực hiện chính sách, pháp luật y tế vùng dân tộc thiểu số (DTTS) theo Nghị định 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc địa bàn các huyện miền núi, trung du từ năm 2016 - 2018.
Chính sách chưa đủ sức kéo bác sĩ giỏi
“Thiếu bác sĩ”, “thiếu nhân lực trình độ cao” là điểm chung mà các huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân nêu ra với đoàn giám sát. Khó nhất là huyện An Lão, có 21 bác sĩ thì 13 bác sĩ “cắm” ở TTYT huyện, 8 bác sĩ ở trạm y tế (2 xã An Toàn, An Nghĩa chưa có bác sĩ). Y sĩ Đinh Văn Na, Phó trưởng trạm y tế An Toàn cho hay, là xã vùng cao đặc biệt khó khăn nhưng trong 5 biên chế của trạm không có bác sĩ.
Trạm y tế An Toàn (An Lão) vẫn chưa có bác sĩ.
Giám đốc TTYT huyện An Lão Dương Văn Tiếp thông tin, nhiều năm liền địa phương không tuyển dụng được bác sĩ, ảnh hưởng trong triển khai dịch vụ y tế, và chưa đáp ứng được nhu cầu người dân. Năm 2019, An Lão có 1 bác sĩ sẽ bổ sung cho xã An Toàn, còn xã An Nghĩa thì TTYT sẽ tăng cường bác sĩ.
“Nhân lực bác sĩ có được là theo diện đào tạo chuyên tu, còn bác sĩ chính quy thì chưa có. Chính sách thu hút hiện tại chưa đủ sức kéo bác sĩ giỏi về. Đồng thời, có chính sách cũng phải có quy định ràng buộc trách nhiệm”, Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng cho hay.
Vấn đề đáng quan tâm khác là cơ sở hạ tầng và phương tiện, trang thiết bị y tế. Thời gian qua, vùng DTTS được ưu tiên cấp 60 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, ngoài ra còn có ngân sách tỉnh để xây mới, nâng cấp cơ sở y tế. Dẫu vậy, sự đầu tư chưa đồng bộ. Nhiều trạm y tế còn chật hẹp, chưa đảm bảo diện tích và số phòng chức năng để hoạt động; phương tiện, thiết bị y tế thiết yếu thiếu cả chủng loại lẫn số lượng. “Cần quan tâm nhiều hơn phương tiện vận chuyển cấp cứu bệnh nhân. Tại Canh Liên từng có bệnh nhân tử vong một phần do không kịp chuyển tuyến trên”, ông Đinh Văn Mực, Bí thư Đảng ủy xã Canh Liên (Vân Canh), bày tỏ.
Chú trọng chất lượng chăm sóc sức khỏe
Chính sách y tế vùng DTTS được thực hiện theo hướng ưu tiên giải quyết các vấn đề sức khỏe; tăng cường khả năng tiếp cận, cung cấp dịch vụ y tế chất lượng. Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Trương cũng thừa nhận, các bệnh viện ở vùng DTTS chưa đáp ứng được yêu cầu về nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, phục vụ người bệnh và phát triển dịch vụ y tế. Việc triển khai công tác y tế dự phòng và thực hiện các chương trình mục tiêu y tế vùng DTTS gặp nhiều khó khăn, kết quả chưa cao. Công tác vệ sinh môi trường chưa được địa phương quan tâm; tỉ lệ sử dụng nước sạch trong sinh hoạt, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh của người dân còn thấp. 50/53 xã vùng DTTS được công nhận chuẩn quốc gia y tế xã; trong 3 xã chưa đạt (An Dũng, An Nghĩa của An Lão và Canh Liên của Vân Canh) do vướng tiêu chí môi trường, nước sạch. Đây cũng là vấn đề lớn được Sở Y tế kiến nghị tỉnh quan tâm đầu tư.
“Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe người dân vùng DTTS có ý nghĩa và vai trò rất quan trọng, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền địa phương cần tăng cường trách nhiệm trong công tác truyền thông; phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội trong lồng ghép tuyên truyền giáo dục sức khỏe, đưa chính sách, pháp luật y tế đến người dân”.
Ông Ðinh Yang King, Trưởng ban Ban Dân tộc HÐND tỉnh
Một trong những vấn đề thiết thân với người dân vùng DTTS là chính sách BHYT cần được triển khai chặt chẽ hơn. Phó trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh Đinh Văn Lung đề nghị các địa phương phải khắc phục ngay lập tức, “rà soát, kiểm tra thường xuyên, tránh sai sót thông tin, không để người dân vào viện mà không có thẻ BHYT”.
Ghi nhận kết quả triển khai thực hiện chính sách pháp luật về y tế đối với vùng DTTS, ông Đinh Yang King, Trưởng ban Ban Dân tộc, HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát, yêu cầu nâng cao hơn nữa chất lượng công tác y tế vùng DTTS. Ngân sách của tỉnh eo hẹp, ngân sách huyện càng khó, xã gần như không có, nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế cần được phát huy hiệu quả cao nhất trong khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân. Đẩy mạnh xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia y tế, khắc phục “nợ” chuẩn, nhưng tránh hình thức. Giải quyết tình trạng thiếu hụt bác sĩ bằng giải pháp trước mắt là tăng cường luân phiên để đảm bảo hoạt động và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; nhân viên y tế không ngừng nâng cao tinh thần trách nhiệm, chất lượng phục vụ…
MAI HOÀNG