Ðào tạo nhân lực tay nghề cao: Thu gọn đầu mối để tăng hiệu quả
Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 6.6.2014 của Ban Bí thư Trung ương Ðảng (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao”, tỉnh Bình Ðịnh đã có những giải pháp chủ động, hiệu quả. Trong đó, có việc từng bước thu gọn đầu mối các trường, trung tâm để tiếp tục hỗ trợ, nâng cao hiệu quả đào tạo.
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Bình Định đã được UBND tỉnh ra quyết định thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 trung tâm: Giáo dục nghề nghiệp và giới thiệu việc làm thanh niên Bình Định, Giáo dục nghề nghiệp - Hội LHPN tỉnh, Giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ nông dân tỉnh. Đồng thời, UBND tỉnh cũng quyết định sáp nhập 4 trường: Trung cấp Kỹ thuật Công nghệ Hoài Nhơn, Trung cấp Thủ công mỹ nghệ Bình Định, Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bình Định và Trung cấp VHNT tỉnh vào Trường CĐ Bình Định.
Lớp công nghệ sinh học của Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ được đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế do Úc cấp bằng. Sinh viên ngành này tốt nghiệp có thể làm việc ở các nước trên thế giới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cho biết: “Việc quy hoạch và hợp nhất các trung tâm dạy nghề của hội, đoàn thể là để thu gọn đầu mối, tránh lãng phí. Từ đó, UBND tỉnh có điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên”.
Theo các quyết định của Chính phủ, Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông Lâm Trung bộ được Chính phủ phê duyệt Đề án trường chất lượng cao, Trường CĐ Y tế Bình Định được giữ lại do đào tạo nghề đặc trưng, chuyên sâu của ngành y tế. Dù vậy, các trường vẫn phải chuẩn bị cho việc tự chủ hoàn toàn kinh phí vào năm 2020 và linh hoạt trong việc tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực tay nghề cao.
Theo ông Nguyễn Trung Tiến, Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông Lâm Trung bộ, Trường đang đào tạo 4 nghề trọng điểm quốc tế là công nghệ sinh học, vận hành máy thi công nền, điện công nghiệp, công nghệ ô tô, và 2 nghề trọng điểm quốc gia là lâm sinh, thú y. Nhằm tiến đến việc tự chủ hoàn toàn kinh phí vào năm 2020, nhà trường đã nỗ lực tìm nhiều dự án, như dự án đào tạo nghề trọng điểm quốc tế công nghệ sinh học được chuyển giao chương trình từ Úc với kinh phí hỗ trợ thiết bị và vật tư trên 17 tỉ đồng, dự án đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp hỗ trợ mua sắm máy móc thiết bị từ 5 - 6 tỉ đồng cho các nghề trọng điểm. Một số nghề được đặt hàng đào tạo như nghề lâm sinh với 28 sinh viên, đào tạo trồng cây dược liệu cho Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định; lớp trung cấp thú y gồm 29 học sinh con em dân tộc thiểu số, cho xã Kon Pne, huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai...
Trường CĐ Y tế Bình Định hiện đào tạo nhân lực có tay nghề cao tập trung vào 2 ngành điều dưỡng và dược. “Trường đào tạo ngành điều dưỡng để đi thực tập sinh tại Nhật Bản theo đơn đặt hàng của Công ty MTV TMDV JAKOTA (Nhật Bản), Trường Trung cấp Âu Việt ở TP Hồ Chí Minh. Hiện có 26 em đi Nhật và 11 em đang chờ làm thủ tục visa”, ông Lê Vĩ Chinh, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Y tế Bình Định, cho biết.
Trong buổi làm việc mới đây với đoàn khảo sát liên ngành của Trung ương về kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW trên địa bàn tỉnh Bình Định, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn thông tin: “Theo quy hoạch chung và chi tiết xây dựng TP Quy Nhơn đến năm 2035, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh sẽ tiếp tục hợp nhất Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn và Trường CĐ Bình Định. Cùng với việc sắp xếp tinh gọn bộ máy hoạt động của các trường cao đẳng, tỉnh sẽ có cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở vật chất, thu hút nhân lực trình độ cao, hỗ trợ dạy nghề cho người lao động…”.
Nhằm giúp tỉnh Bình Định tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị 37-CT/TW, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng kiến nghị: Bộ LĐ-TB&XH, Bộ GD&ĐT cùng các bộ, ngành liên quan cần kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nhân lực có tay nghề cao; rà soát và hoàn thiện các cơ chế, chính sách về giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nhân lực có tay nghề cao để tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ thiết thực, tạo điều kiện cho người lao động học tập nâng cao kỹ năng nghề...
Trong 5 năm qua, đã có 539 lượt giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp được cử đi đào tạo, bồi dưỡng các trình độ và chuyên môn, nghiệp vụ khác nhau. Trong đó, có 13 người được đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài. Trong đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp toàn tỉnh, hiện có 10 tiến sĩ, 326 thạc sĩ, 556 người có trình độ đại học và 224 người có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở Tài chính, cho biết: “Chúng tôi chủ động tham mưu hỗ trợ cho hệ thống các trường đào tạo nghề mức chi cao nhất 8,8 triệu đồng/10 tháng/sinh viên tùy theo quy mô của các trường cao đẳng. Nguồn quỹ hỗ trợ quy định rõ các trường phải tự phấn đấu nâng cao chất lượng giảng dạy để công tác tuyển sinh tốt hơn. Nếu tuyển sinh không đủ chỉ tiêu mới được hỗ trợ”.
HẢI YẾN