Bình Ðịnh tăng 6 bậc về cải cách hành chính: Những tín hiệu tích cực
Bình Ðịnh xếp 53/63 tỉnh, thành về Chỉ số cải cách hành chính năm 2018. Dù chưa phải là thứ hạng cao, song với việc tăng 6 bậc so với năm 2017 đã cho thấy hiệu quả bước đầu của nhiều nỗ lực trong công tác cải cách hành chính.
Chiều 24.5, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2018 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR Index) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2018 (SIPAS). Trở về từ Hội nghị, Giám đốc Sở Nội vụ Lâm Hải Giang đã có cuộc trao đổi với PV Báo Bình Định.
* Xin ông cho biết cụ thể những lĩnh vực nào trong công tác CCHC đã có tiến bộ?
- Theo kết quả công bố, Chỉ số PAR Index năm 2018 của tỉnh đạt 73,8 điểm. Qua phân tích kết quả cho thấy, phần lớn các chỉ số thành phần về CCHC đều tăng điểm so với năm 2017. Nổi bật là công tác chỉ đạo, điều hành đạt 7,25/9 điểm, xếp 21/63 tỉnh, thành (năm 2017 xếp thứ 42). Chỉ số thành phần về lĩnh vực hiện đại hóa nền hành chính đã có sự cải thiện đáng kể, đạt 9,28/13,5 điểm, xếp thứ 37 (năm 2017 xếp thứ 60).
Cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện CCHC.
- Trong ảnh: Đoàn kiểm tra CCHC của tỉnh kiểm tra tại UBND thị trấn Tam Quan, huyện Hoài Nhơn.
Ngoài ra, các tiêu chí thành phần khác cũng đạt điểm và xếp ở vị trí cao, như xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật (đạt 8,43/10 điểm, xếp thứ 38); cải cách tổ chức bộ máy (đạt 9,15/12 điểm, xếp thứ 23); cải cách tài chính công (đạt 8,84/12,5 điểm, xếp 34).
* Mặc dù 53 vẫn là thứ hạng thấp, nhưng với việc tăng 6 bậc trên bảng xếp hạng cũng là một sự chuyển biến đáng ghi nhận…
- Đúng vậy. Điều này thể hiện kết quả bước đầu sau 1 năm thực hiện Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 5.7.2018 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường các giải pháp nhằm cải thiện và nâng cao chỉ số CCHC của tỉnh; với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, sự quyết tâm và trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong chỉ đạo, điều hành và thực hiện các nhiệm vụ CCHC.
Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, công tác CCHC của tỉnh vẫn chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình hiện nay. Một số lĩnh vực chuyển biến chậm, ảnh hưởng chung đến kết quả CCHC của tỉnh. Việc công bố, công khai thủ tục hành chính (TTHC) và kết quả giải quyết hồ sơ còn hạn chế, chưa đầy đủ, kịp thời. Công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức đối với TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh chưa tốt. Một số đơn vị chưa thực hiện quy định về cơ cấu số lượng lãnh đạo tại các cơ quan hành chính hoặc chưa thực hiện cơ cấu công chức, viên chức theo vị trí việc làm...
* Một điều đáng lưu ý về kết quả công bố tại Hội nghị này, đó là Chỉ số SIPAS của tỉnh rất thấp, chỉ đạt 71,81 điểm, xếp thứ 61/63 tỉnh, thành phố. Ông có nghĩ đây là điều đáng lo?
- Kết quả này đã ảnh hưởng khá lớn đến Chỉ số PAR Index năm 2018 của tỉnh, đồng thời cũng ảnh hưởng đến mục tiêu CCHC của tỉnh đến năm 2020.
Chỉ số SIPAS gồm các thành phần: Tiếp cận dịch vụ hành chính công của cơ quan hành chính nhà nước; TTHC; công chức giải quyết công việc; kết quả cung ứng dịch vụ hành chính công; tiếp nhận, giải quyết góp ý, phản ánh, kiến nghị.
Các cấp, các ngành cần nỗ lực nhiều hơn để công khai, minh bạch trong giải quyết TTHC.
- Trong ảnh: Tiếp nhận TTHC tại bộ phận “Một cửa” UBND xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước.
Thông qua việc lấy ý kiến khảo sát của người dân và tổ chức cho thấy mức độ không hài lòng đối với sự phục vụ hành chính nhà nước ở tỉnh ta đã tăng gần 10% so với năm 2017. Do đó, trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần nỗ lực nhiều hơn để hạn chế tình trạng trễ hẹn trong giải quyết TTHC; đơn giản hóa và rút ngắn thời gian giải quyết TTHC; công khai, minh bạch trong giải quyết TTHC...
* Từ kết quả của năm 2018, theo ông, đâu là nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao hiệu quả công tác CCHC trong thời gian tới?
- Căn cứ kết quả Chỉ số PAR Index năm 2018, cần phân tích, đánh giá sâu và có tính hệ thống về các chỉ số thành phần, có sự so sánh giữa các năm để xác định chính xác các vấn đề còn tồn tại và nỗ lực khắc phục. Tiếp tục quán triệt và triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp theo các kế hoạch CCHC gắn với mục tiêu, sản phẩm cụ thể của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương.
Cùng với đó là tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh gắn với tăng cường kiểm soát, đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC với các mục tiêu cụ thể nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân và DN. Trong đó cần thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện CCHC, xem xét trách nhiệm đối với cán bộ, công chức thờ ơ, không quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện CCHC. Triển khai thực hiện tốt chính quyền điện tử, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận dịch vụ công.
Ngoài ra, cần chủ động đề xuất xây dựng các quy chế liên thông trong giải quyết TTHC đối với nhóm TTHC có liên quan đến nhiều cơ quan. Đồng thời, tham mưu công bố cụ thể nội dung, quy trình giải quyết liên thông đối với nhóm TTHC thực hiện liên thông mà các bộ, ngành Trung ương chưa công bố theo quy định.
* Xin cảm ơn ông.
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)