Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh:
Công tác quản lý, sử dụng đất đai đô thị còn nhiều hạn chế, bất cập
Tiếp tục kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, sáng 27.5, Quốc hội nghe báo cáo và thảo luận tại hội trường việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.
Tham gia góp ý tại hội trường, Phó Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh đồng tình cao với báo cáo do Đoàn giám sát của Quốc hội đã trình bày về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018. Tuy nhiên, bà cũng chỉ ra rằng việc quản lý, sử dụng nguồn lực này còn rất lãng phí, đặc biệt đối với đất đai ở đô thị.
Phó Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh phát biểu góp ý việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018. Ảnh: Q.Khánh.
Bà Hạnh cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên là do chất lượng quy hoạch thấp, tính dự báo chưa cao, nhiều chỉ tiêu quy hoạch được phê duyệt và thực tế thực hiện có sự khác biệt lớn. Bên cạnh đó, việc lập, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất còn bị động. Từ đó, dẫn đến nhiều trường hợp đã đầu tư rất nhiều thời gian, công sức, tiền của vào việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch nhưng đến thời điểm phê duyệt thì tình hình phát triển KT - XH có những biến động; có những trường hợp đã thay đổi, dẫn đến định hướng quy hoạch bị lạc hậu, lỗi thời; việc điều chỉnh phải thực hiện lại từ đầu. Bên cạnh đó, nhiều dự án treo, chiếm dụng đất, vừa gây lãng phí vừa làm mất đi những cơ hội đầu tư phát triển.
Bên cạnh đó, công tác quản lý đất đai nhiều nơi còn buông lỏng; việc xử lý các sai phạm trong lĩnh vực này chưa nghiêm. Cá biệt, quỹ đất ở một số nơi sử dụng không hiệu quả hoặc để hoang hóa hoặc sử dụng sai mục đích, sai quy hoạch,… Trong khi đó, có nhà doanh nghiệp tâm huyết muốn đầu tư vào các công trình, dự án này nhưng lại bị vướng. Nhiều quy định của pháp luật chưa theo kịp thực tiễn, trong đó có vấn đề mới nảy sinh lại chưa được luật hóa nhằm đảm bảo khung pháp lý trong tổ chức, thực hiện. Đặc biệt, tình trạng xác định giá trị quyền sử dụng đất khi chuyển đổi mục đích trong các dự án đầu tư phát triển đô thị chưa sát với giá thị trường làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước. Có không ít dự án theo hình thức hợp đồng Xây dựng - chuyển giao (BT), phải bỏ ra quỹ đất quá lớn nhưng việc thu lại từ các công trình, dự án hoàn toàn không tương xứng.
Từ những “lỗ hổng” kể trên, bà Lý Tiết Hạnh kiến nghị Chính phủ, Quốc hội cần chỉ đạo rà soát tổng thể công tác quản lý, sử dụng tài nguyên đất trên phạm vi cả nước, gắn với triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Trong quy hoạch chiến lược, Chính phủ, Quốc hội cần lưu ý đến vấn đề đảm bảo an sinh xã hội, lợi ích cộng đồng dân cư, môi trường và an ninh quốc phòng.
Để đảm bảo việc thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, bà Hạnh cũng kiến nghị Chính phủ, Quốc hội cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật cho đồng bộ, phù hợp. Bởi hiện nay, cơ sở dữ liệu quốc gia về luật đất đai và một số luật chuyên ngành, trong đó có Luật đấu giá tài sản, Luật đấu thầu,... vẫn còn nhiều điểm chưa đồng bộ. Mặt khác, công tác quy hoạch và triển khai thực hiện các dự án theo hình thức hợp đồng BT cần chặt chẽ, công khai, minh bạch hơn, nhằm tránh thất thoát vốn, tài sản nhà nước và ngăn ngừa các đối tượng lợi dụng những kẻ hở pháp luật để trục lợi.
“Tôi cũng kiến nghị Chính phủ cần xử lý nghiêm những trường hợp gây thất thoát, lãng phí đất đai, tài sản nhà nước. Chính phủ, Quốc hội cần sớm ban hành quy định, khung pháp lý để quản lý chặt chẽ hơn vấn đề cấp đất ở không hình thành đơn vị ở đối với các dự án khu căn hộ du lịch. Ngoài ra, Chính phủ cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định thống nhất về cách thức quản lý và triển khai đầu tư các dự án từ vốn ngân sách và vốn tư nhân. Bổ sung quy định cụ thể hơn trong thực hiện việc phân lô bán đất nền, việc giao đất có thu tiền sử dụng đất và cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất”, bà Hạnh nói.
Ngoài các ý kiến kiến nghị, bà Hạnh còn cho biết việc xây dựng quy hoạch các khu đô thị, khu dân cư hiện nay còn nặng về gia tăng dân số, tầm cao, mật độ xây dựng,... Song, chưa quan tâm đúng mức đến chiến lược phát triển gắn với tiềm năng, đặc thù của từng vùng, từng miền.
TRỌNG LỢI