Đề xuất điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu:
Cần có chế độ nghỉ hưu phù hợp đối với từng ngành nghề
Dự thảo sửa đổi Luật Lao động sẽ được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến trong kỳ họp thứ 7. Trong dự thảo của Bộ luật này, Bộ LĐTBXH đề xuất điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với nam, 60 tuổi với nữ từ năm 2021.
Đại biểu Quốc hội - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại diễn đàn QH: “Lao động của chúng ta hầu hết còn vất vả, khó khăn, làm ở lĩnh vực chân tay cơ bắp. Liệu họ có làm được việc khi tuổi đã lớn?”. Ảnh quochoi.vn
Theo nhiều ĐBQH thì chỉ tăng đối với một số ngành nghề đặc thù như nghiên cứu khoa học, giảng dạy, riêng đối với các ngành nghề lao động chân tay, độc hại thì nên giữ nguyên quy định tuổi nghỉ hưu như hiện nay.
Tính toán hợp lý để đảm bảo quyền lợi NLĐ
Về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, Đại biểu Quốc hội - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, quan điểm của Tổng LĐLĐ Việt Nam là ủng hộ tăng tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, ông đặt ra 3 vấn đề cần phải quan tâm, để có sự tính toán hợp lý trên cơ sở đảm bảo quyền lợi người lao động (NLĐ).
“Đầu tiên là đối tượng tăng tuổi nghỉ hưu cần phải cân nhắc. Những người suy giảm sức khỏe, suy giảm lao động, lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì không nên áp dụng chính sách tăng tuổi nghỉ hưu. Lao động trực tiếp ở những ngành, lĩnh vực này, khi tuổi cao, họ không phát huy được, không tạo năng suất lao động cao hơn. Hay những ngành rất đặc thù như giáo viên mầm non, tiểu học, người làm nghệ thuật, thể thao cũng là lĩnh vực cần lưu ý.
Thứ hai là mức tuổi chúng ta tăng hoặc cho về hưu trước không chỉ dừng lại ở 5 năm, có thể là 5-7 năm. Có những người, những ngành đến 50 tuổi là họ không thể làm việc được nữa.
Thứ ba, xung quanh vấn đề tuổi nghỉ hưu, chúng tôi cũng rất quan tâm đến việc thiết kế lộ trình làm thế nào để người lao động dễ hiểu và tránh bị hiểu nhầm. Chúng tôi đề xuất khi trình dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, Chính phủ cần trình nghị định, những danh mục về ngành nghề được nghỉ hưu sớm hơn. Nói cách khác là có một chế độ nghỉ hưu linh hoạt, mà vẫn đảm bảo quyền lợi của người lao động. Bởi điều này sẽ ảnh hưởng đến vấn đề an sinh xã hội, cuộc sống của người lao động sau khi nghỉ hưu. Đây là vấn đề chúng ta phải hết sức quan tâm để tránh những tác động không tốt với người lao động” - đại biểu Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cũng cho rằng, chúng ta phải quan tâm đến thực tế ở Việt Nam hiện nay, số lao động còn dư thừa khá nhiều, nhất là lao động trẻ. Lao động của chúng ta hầu hết còn vất vả, khó khăn, làm ở lĩnh vực chân tay cơ bắp. Liệu họ có làm được việc khi tuổi đã lớn?
“Ý tôi muốn nhấn mạnh đến điều kiện môi trường làm việc. Thực tế các chủ doanh nghiệp muốn người lao động trẻ hơn, vì năng suất cao hơn, trong khi lương họ phải trả thì không cao. Còn đối tượng công chức, viên chức, việc tăng tuổi nghỉ hưu, tôi cho rằng cần thiết và hợp lý. Tuy nhiên cần có cách thiết kế để có tuổi nghỉ hưu linh hoạt, đảm bảo quyền lợi người lao động. Khi sức khỏe không còn đủ, động lực làm việc không còn tốt, thì chúng ta buộc họ phải làm việc cũng không mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, không mang lại lợi ích cho chủ sử dụng lao động. Vì vậy tôi mong có sự tính toán kỹ càng trong thời gian tới” - đại biểu Ngọ Duy Hiểu nêu quan điểm.
Người lao động sản xuất trực tiếp, làm công việc nặng nhọc, độc lại có nguyện vọng giảm tuổi nghỉ hưu. Ảnh: H.N
Tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình
Trao đổi với Lao Động, đại biểu Trần Kim Yến (Đoàn TPHCM) cho rằng, phương án tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết, nhưng cần nhận thức được tuổi nghỉ hưu. Ở một số ngành nghề lao động trí thức như nhà nghiên cứu, giáo sư, ngành y, cần chất xám, kinh nghiệm thì cần phải nghiên cứu và tính toán thêm. Ở nhóm đối tượng này thì tuổi nghỉ hưu tối đa như vậy vẫn không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nhưng đối với ngành lao động chân tay thì cần phải tính về vấn đề sức khỏe.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phải có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình, giải quyết việc làm, thất nghiệp, tránh gây sốc, tác động tiêu cực đến thị trường lao động.
“Dư luận cho rằng cán bộ công chức, viên chức, những người có chức có quyền muốn tăng tuổi nghỉ hưu trong khi người lao động trực tiếp, sử dụng chân tay, cơ bắp lại thấy nếu kéo dài thời gian làm việc thì không đảm bảo được sức khỏe cũng như hiệu quả công việc. Đây là ý kiến cần cân nhắc, xem xét thấu tình đạt lý để đảm bảo luật có tính khả thi và nhận được sự ủng hộ của các đối tượng lao động” - đại biểu Hòa cho biết.
Ông kiến nghị, trước khi tăng tuổi nghỉ hưu Chính phủ cần có đánh giá rõ tác động tích cực và tiêu cực đối với thị trường lao động, phân rõ các nhóm lao động. Việc đánh giá tác động sẽ giúp đưa ra lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp và nhận được sự đồng thuận khi luật được ban hành.
Trước ý kiến cho rằng, điều kiện sống, thể trạng và tuổi thọ của người Việt ngày càng được nâng cao, nên sức lao động cũng lên theo, do đó việc tăng tuổi hưu là hợp lý, đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng thu nhập của người lao động có tăng lên, đời sống cũng được cải thiện nhưng chỉ là “lên tương đối và chỉ lên ở một bộ phận nào đó, không phải tất cả đều lên. Chỉ có xuống xem những người lao động trực tiếp mới thấy họ cực khổ thế nào, tăng thêm 1 năm nữa tuổi hưu thì quá vất vả luôn.
Theo C.NGUYÊN - Đ.CHUNG - T.TRUNG (LĐO)