Niềm cảm hứng với thơ
Thơ Việt Nam hiện đại - Thi luận và Chân dung (NXB Hội nhà văn) của tác giả Hồ Thế Hà là tập chuyên luận bao gồm các tiểu luận về thơ và chân dung thơ. Tập tiểu luận này tiếp tục làm dày thêm mảng lý luận, phê bình thơ của ông. Qua đó, độc giả cũng phần nào thấy sự tâm huyết của tác giả với vấn đề tiếp cận thơ, cũng như niềm cảm hứng từ miền thơ mang lại.
Sách được viết công phu, dày hơn 550 trang được cấu trúc thành 2 phần. Phần 1: Thi luận, bao gồm những tiểu luận có liên quan đến lý thuyết thơ, tiến trình thơ, hiện tượng và phong trào thơ. Phần 2: Chân dung, bao gồm các bài phê bình thơ về các nhà thơ hiện đại Việt Nam như Bùi Giáng, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Huy Cận, Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều…
Tập sách giúp người yêu thơ đi sâu vào địa hạt của thơ, từ khái niệm thơ, đặc điểm thơ đến những trường phái thơ, giá trị của ngôn từ và độ sâu tư tưởng trong thơ cũng như tiến trình phát triển của thơ Việt Nam đương đại. Trong đó, tác giả dành nhiều trang viết cho nhóm thơ Bình Định thời kỳ Thơ mới (1930 - 1945). Nhóm thơ ấy hội tụ những thi sĩ như Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan, Bích Khê… đã đĩnh đạc tạo dấu ấn trong thi đàn Việt, để rồi “mỗi người mỗi nét” họ đi vào tâm khảm người yêu thơ với những thi phẩm giàu độ suy tưởng. Ở đó, có một Bích Khê với “cái tôi tích hợp chất Đời và Đạo, cái tôi phân ly và kỳ ảo, đau thương và huyền diệu”; hay một Hàn Mặc Tử khúc xạ cảm xúc với những biểu tượng Trăng, Máu và Hồn chưng cất lên lời thơ da diết giàu thi từ, thi ảnh. Không có gì quá đáng khi tác giả nhìn nhận rằng: “Mỗi người mỗi hương hoa, mỗi âm thanh, mỗi màu sắc đã góp phần làm cho khu vườn văn học dân tộc thêm nhiều đỉnh cao, tỏa sáng, tỏa mát, tỏa hương trước dòng thời gian vĩnh hằng”.
Những trang viết của Hồ Thế Hà vừa mềm mại, cuốn hút, vừa mang giá trị học thuật. Từ nét khái quát đến góc tiếp cận cụ thể từng thi phẩm, tác giả đều được viết với văn phong mạch lạc, hàm súc dựa trên tinh thần khoa học nghiên cứu nghiêm túc. Đây là nguồn tư liệu đáng tin cậy để bạn đọc tham chiếu khi tiếp cận với thơ và nhiều chân dung thơ Bình Định cũng như Việt Nam.
VÂN PHI