Hiện vật tháp Chăm sau khai quật:
Loay hoay tìm chỗ bảo quản
Sau những cuộc khai quật tháp Chăm ở các địa phương trong tỉnh, chúng ta đã thu về hàng ngàn hiện vật, trong đó nhiều hiện vật rất có giá trị. Thế nhưng, đến nay mới có một số ít hiện vật khai quật được trưng bày ở Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, còn phần lớn đang nằm trong kho hoặc để tạm bợ ngoài trời.
Qua các cuộc khai quật tại di tích tháp Dương Long, tháp Cánh Tiên, tháp Bánh Ít và mới đây là tại phế tích Gò Tháp Lai Nghi, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã thu được hơn 2.000 hiện vật phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn. Trong đó, có những hiện vật Chăm độc bản có kích thước lớn nhất ở Việt Nam.
Hiện vật bỏ kho hoặc dãi dầu mưa nắng (!)
Do diện tích trưng bày hạn chế nên Bảo tàng Tổng hợp tỉnh chỉ có thể bố trí một gian trưng bày giới thiệu gần 200 hiện vật là tượng, phù điêu tháp Chăm và vài chục hiện vật Chăm khác được trưng bày ở sân trước. Tiến sĩ Đinh Bá Hòa, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, cho biết: “Hiện vật thu được từ các cuộc khai quật tháp Chăm rất nhiều, trước đây phần lớn phải để ngoài trời. Sau khi làm kho tạm có diện tích 50m2 để bảo quản, chúng tôi cũng chỉ đưa thêm được một phần hiện vật Chăm giá trị vào trong nhà kho”.
Từ năm 2008 đến nay, việc khai quật các tháp Chăm do Ban Quản lý Di tích tỉnh phối hợp với đơn vị khảo cổ học tiến hành cũng thu được một lượng lớn hiện vật. Cuộc khai quật tại tháp Dương Long lần thứ 3 đã tìm thấy 700 hiện vật điêu khắc đá trang trí, trong đó có hàng chục tượng thần còn nguyên vẹn có giá trị nghệ thuật cao. Hay, cuộc khai quật tại tháp Bình Lâm cũng thu được gần 100 hiện vật mảnh tượng tròn và phù điêu, tượng rắn Naga bằng đá rất có giá trị. Kết quả, Ban Quản lý Di tích tỉnh cũng chỉ có thể cất giữ một số ít hiện vật độc đáo nhất, còn lại phải để lại tại khu vực di tích.
Tìm đến di tích tháp Dương Long vào giữa tháng 10 vừa qua, chúng tôi vẫn thấy lượng lớn các hiện vật tháp Chăm được xếp lại thành nhiều hàng dài ở khu vực mặt trước và xung quanh tháp. Bệ thờ trên có đặt tượng Yoni bằng đá sa thạch khá lớn lần đầu tiên được tìm thấy ở Bình Định, giờ nằm “lẻ loi” trên bãi cỏ phía sau lưng các tháp. Nhiều hiện vật nằm lẩn khuất trong cỏ, nhuộm màu mưa nắng dễ gây hiểu lầm cho khách đến tham quan là những vật liệu xây dựng bỏ đi.
Cần phát huy giá trị hiện vật
Theo Ban Quản lý Di tích tỉnh, sau khi lập dự án trùng tu, tôn tạo di tích tháp Chăm, nếu không sử dụng được các hiện vật đơn lẻ, cũng như tại di tích tháp Chăm không có nhà trưng bày bổ sung hiện vật, thì sẽ bàn giao lại cho Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.
Cuối năm nay, sau khi hoàn thành giai đoạn 1 trùng tu, tháp Dương Long sẽ được thực hiện giai đoạn 2 trùng tu, tôn tạo xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, khu trưng bày hiện vật. Ông Đặng Hữu Thọ, Giám đốc Ban Quản lý Di tích tỉnh, cho biết: “Chúng tôi đã mời PGS-TS Bùi Chí Hoàng (Phó viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, người từng chủ trì khai quật tháp Dương Long rất thành công - PV) giúp xây dựng đề cương khu trưng bày hiện vật ngoài trời, để trình các cấp xem xét. Cùng với đó, chúng tôi cũng sẽ đưa một số hiện vật phù hợp vào giới thiệu trong nhà trưng bày bổ sung đã được xây dựng tại tháp Dương Long”.
Ý tưởng về việc xây dựng khu trưng bày hiện vật ngoài trời cũng là mong muốn của PGS-TS Bùi Chí Hoàng. “Khi hiện vật gắn với di tích thì giá trị của chúng được tôn lên rất nhiều, cảm xúc người tiếp nhận cũng mạnh hơn. Theo tôi, cần phải mở rộng diện tích khuôn viên khu di tích tháp Dương Long hiện nay. Hai góc phía Tây Nam và Tây Bắc của cụm tháp sẽ là hai khu vực được bố trí chính làm vườn hiện vật điêu khắc cổ, xen lẫn với một số mảng vườn tượng nhỏ ở phía Nam và phía Bắc… nhằm tôn vinh những giá trị độc đáo về kiến trúc, điêu khắc qua các hiện vật thu được”, PGS-TS Bùi Chí Hoàng đề xuất.
Còn tiến sĩ Đinh Bá Hòa thì cho rằng, so với lượng hiện vật được trưng bày trang trọng ở Bảo tàng Chăm rất nổi tiếng ở Đà Nẵng, lượng hiện vật Chăm sau các cuộc khai quật tại Bình Định phong phú hơn, mang nhiều giá trị độc đáo. Tuy nhiên, những hiện vật này lại chưa có được nơi trưng bày tương xứng. “Chúng tôi rất mong chủ trương xây dựng Bảo tàng Tổng hợp mới ở khu đất Trung tâm Hội chợ Triển lãm tỉnh sớm được thực hiện. Khi đó, những hiện vật Chăm sẽ có không gian trưng bày phù hợp, góp phần phát huy được giá trị của hiện vật”, tiến sĩ Đinh Bá Hòa cho biết.
Việc triển khai xây dựng Bảo tàng Tổng hợp tại vị trí mới phải mất một khoảng thời gian nhất định. Vì vậy, giải pháp trước mắt là Bảo tàng Tổng hợp tỉnh cần đầu tư xây dựng thêm, hoặc mở rộng kho chứa hiện vật Chăm; sắp xếp, cải tạo lại khoảng sân phía trước (hiện một phần đang cho thuê làm dịch vụ) để có thể trưng bày được nhiều hiện vật hơn, đẹp mắt hơn…
HOÀI THU