Góp ý Dự án Luật Lực lượng dự bị động viên và Luật Xuất cảnh, nhập cảnh
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, chiều 28.5, Ðoàn ÐBQH tỉnh tham gia thảo luận tại tổ về Dự án Luật Lực lượng dự bị động viên và Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh.
Cần hài hòa giữa trách nhiệm và quyền lợi
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn thống nhất cao với Dự án Luật Lực lượng dự bị động viên (LLDBĐV). Tuy nhiên, ông cho rằng: “Cần phải có chính sách tốt thì mới huy động được nhân lực, vật lực để xây dựng LLDBĐV. Các chính sách này cần phải tuân theo quy luật của nền kinh tế thị trường, hài hòa giữa trách nhiệm và quyền lợi của các tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, phát triển LLDBĐV”. Ông cho rằng cần xem lại chính sách bù đắp giá trị sinh lời đối với phương tiện kỹ thuật được huy động, thay cho việc chỉ bù đắp một phần giá trị sinh lời như quy định tại Dự án Luật. Đánh giá quy định chế độ tiền lương và phụ cấp của quân nhân dự bị được huy động khá tốt, song đại biểu Toàn băn khoăn việc Dự án Luật không đề cập đến chính sách đối với đơn vị có người được huy động.
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn cho rằng các chính sách Luật LLDBĐV phải tuân theo quy luật của nền kinh tế thị trường, hài hòa giữa trách nhiệm và quyền lợi của các tổ chức, cá nhân.
Cho rằng Điều 5 quy định về “Các hành vi bị nghiêm cấm” tại Luật LLDBĐV chưa rõ ràng và sát với thực tế, ĐBQH Huỳnh Cao Nhất đặt vấn đề: Cơ quan chức năng sẽ xử lý các trường hợp không thể tham gia LLDBĐV do đi làm ăn xa hoặc vì một lý do khác, dù họ đã đăng ký LLDBĐV như thế nào? Ông cũng đề nghị làm rõ nội hàm ý nghĩa từ “quản lý” tại khoản 1, Điều 12 quy định “UBND xã, phường, thị trấn, cơ quan, tổ chức thực hiện đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật”.
Tại khoản 4, Điều 27 quy định “Việc trưng mua, trưng dụng phương tiện kỹ thuật thực hiện theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản”, nhưng ở điểm c, khoản 3, Điều 27 lại quy định “Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định huy động từng phương tiện kỹ thuật”. Đại biểu Nhất cho rằng có sự mâu thuẫn giữa hai quy định vì trong Luật trưng mua, trưng dụng tài sản quy định Chủ tịch UBND cấp huyện không có thẩm quyền này.
Cũng theo đại biểu Nhất, cần làm rõ từ “bảo đảm” tại Điểm b, khoản 4, Điều 33 quy định “Quân nhân dự bị chưa tham gia BHXH, BHYT, BHTN mà bị ốm đau, bị tai nạn được xác định là tai nạn lao động hoặc bị chết thì được nhà nước bảo đảm”.
Làm rõ quy định, tránh lạm dụng
Đối với Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh (XCNC) của công dân Việt Nam, đại biểu Lê Kim Toàn đề nghị công khai quy định cấp hộ chiếu cho từng đối tượng cụ thể để được giám sát. Nếu quy định cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ theo chức danh cụ thể thì cần rà soát lại tất cả các chức danh, xét đến tính tương đồng giữa các chức danh để đảm bảo công bằng. Cũng cần quy định chi tiết về việc sử dụng hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ; cần bổ sung quy định “cấm sử dụng hộ chiếu không đúng quy định”.
ĐBQH Nguyễn Hữu Đức tán thành 3 nguyên tắc XCNC ban đầu, tuy nhiên ông đề nghị bổ sung giải thích khái niệm “Hộ chiếu có gắn chíp điện tử” và “Hộ chiếu không gắn chíp điện tử”. Đại biểu Nguyễn Phi Long đề nghị rà soát lại danh mục chức vụ cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ. Về quy định các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh, đại biểu đề nghị phải có thời điểm bắt đầu và quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền, tránh tình trạng lạm quyền, xâm phạm quyền của công dân.
ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh đề nghị làm rõ quy định cấm đối với hành vi mượn, cho mượn hộ chiếu; trường hợp hộ chiếu bị mất cần nói rõ là được khôi phục hay không, thay vì “được xem xét khôi phục” như Dự án luật; làm rõ quy định đối với người bị mất hộ chiếu ở nước ngoài. Ngoài ra cần có phụ lục về danh sách đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ.
NGUYỄN MUỘI - TRỌNG LỢI