Mưa của những khát khao (*)
Gom nhặt những bài thơ tâm đắc trong suốt mấy chục năm viết lách nhởn nhơ, Mạc Tường mới cho ra đời tập thơ đầu tay “Lạy trời mưa xuống”. Mạc Tường quê ở xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước), nhưng lớn lên và gắn bó cuộc đời với một xóm nhỏ cạnh Tháp Đôi (TP Quy Nhơn). Những đồng lúa rập rờn, dòng sông lặng lờ trôi… thời thơ ấu như đã dựng nên trong ký ức anh một bảng lảng mây chiều tháp cổ, mãi ngóng về chốn xa xôi.
Mạc Tường trước là giáo viên, sau đó nghỉ về nhà làm nghề tự do. Tự nhận là người làm thơ không chuyên, chỉ muốn ghi lại những dấu ấn trong đời sống và tình cảm của mình, nhưng có lẽ vì thế mà thơ anh lại giàu những cảm xúc và suy tưởng. Khi không bị một “sức ép” nào trong thơ, lời thơ cứ thế tuôn chảy, bay bổng. “Anh ngọt ngào chia sẻ những hồi ức đẹp về tuổi thơ đang dâng trào. Anh dịu dàng thể hiện những hoài niệm tình yêu thời trai trẻ. Anh thiết tha bộc lộ những trăn trở, ưu tư về thân phận mình và đồng loại. Đặc sắc hơn, anh còn không che giấu niềm hân hoan, hy vọng vào một tương lai tươi sáng. Anh phơi bày hết cái chất lãng mạn của một tâm hồn nghệ sĩ. Đọc thơ anh, có cảm giác như anh đang mở rộng cõi lòng để hiến dâng…” - Trần Như Luận, một người làm thơ và yêu thơ nhận xét.
Quá khứ của anh thật kỳ ảo: “Theo ai đông về cuối phố/ Se se sợi nắng hanh vàng/ Hình như người về đâu đó/ Mơ hồ tựa hạt sương tan…”. Sẽ không có cái đẹp của thơ nếu anh không khéo đưa vào cõi thơ một chút “se se” màu “nắng”, một chút “mơ hồ” nên cứ “hình như”. Và nỗi niềm thương nhớ ấy đôi khi thật nồng nàn, ray rứt, đầy tiếc nuối: “Chiều ba mươi Tết chốn này/ Phố đông ta giữa cơn say nhớ người…”.
Thơ anh đẹp, có thể vì có lắm hình ảnh và rất đỗi trữ tình. Dường như đối với anh, ở đâu có cảnh ở đó có tình. Người đọc không những bắt gặp một không gian đẹp, một tình cảm nhẹ nhàng trong sáng, mà cả một bầu trời đầy mộng ước thuở tình yêu vừa mới chớm. Dường như anh cố vươn mình lên để phóng chiếu ước mơ của mình vào tương lai; mặt khác, cõi lòng anh vẫn không thôi bị níu giữ bởi cái hiện tại bộn bề, nặng trĩu thương đau: “Con lạc mất tuổi thơ/ Giữa đôi bờ cỏ cháy/ Những ngặt nghèo ngày ấy/ Đêm cay xè ước mơ”. Thơ anh mở ra một chân trời đầy ánh sáng, bởi anh hy vọng vào chính tình yêu của mình: “Vạt tóc dài nỗi nhớ/ Em xa rồi cứ ngỡ/ Hương xưa còn tinh khôi”.
Ai đó đã nói không ngoa rằng, thơ đến với trần gian qua trái tim, bởi trái tim. Điều đó thật đúng với thơ Mạc Tường. Dân gian có câu ca: “Lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày…”, anh cũng muốn thơ mình mang những mơ ước bình dị như thế khi viết: “Lạy trời mưa xuống trần gian/ Ruộng đồng no mật, sữa tràn bờ xa”. Nhưng đó còn là những cơn mưa tâm tưởng để hồn thơ của anh uống lấy những khát khao. Đọc “Lạy trời mưa xuống”, ta như cùng rung cảm với những khao khát yêu thương ấy.
HẠT CÁT
(*): Đọc “Lạy trời mưa xuống”, tập thơ của Mạc Tường, NXB Hồng Đức, năm 2013.
Cám ơn HẠT CÁT ! Bởi qua trang viết này tôi mới biết được Cát Tường và sẽ đón nhận tập thơ của anh. Thiết nghĩ: Bình Định Oline có thêm mục cho các bạn yêu thơ gần xa trong tỉnh để có điều kiện giao lưu học hỏi cũng như tìm tòi những hồn thơ tìm ẩn đâu đó mà chúng ta chưa có dịp gặp...