Chấn chỉnh đào tạo liên kết
Để chấn chỉnh công tác đào tạo liên thông, liên kết, văn bằng 2 ở nhiều cơ sở giáo dục đại học (GDĐH), hiện Bộ GDĐT đang tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giáo dục. Đồng thời Bộ GDĐT cũng đã có văn bản yêu cầu các ĐH, học viện, trường ĐH báo cáo về việc liên kết đào tạo trong nước.
Trên cơ sở kết quả tổng hợp báo cáo, Bộ sẽ rà soát, kiểm tra và có các giải pháp chấn chỉnh hoạt động liên kết đào tạo đối với các cơ sở thực hiện chưa đúng quy định.
Lâu nay, việc quản lý tuyển sinh, đào tạo liên thông, liên kết luôn đặt ra những nghi ngại về chất lượng đào tạo. Theo lãnh đạo Bộ, quy định hiện tại có nhiều đơn vị được giao nhiệm vụ cấp phép liên kết đào tạo (Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, ĐH quốc gia, ĐH vùng, cơ sở GDĐH đạt chuẩn quốc gia theo quy định của Luật GDĐH hoặc các cơ sở GDĐH được phép thực hiện tự chủ…) dẫn đến việc quản lý gặp nhiều khó khăn; chế tài xử phạt không đủ sức răn đe khi cơ sở đào tạo có sai phạm. Chính vì vậy, Bộ GDĐT đang dự thảo văn bản gửi các ĐH, học viện, trường ĐH để chấn chỉnh công tác đào tạo liên thông, liên kết, văn bằng 2. Trong trường hợp phát hiện có tổ chức, cá nhân mạo danh cơ sở GDĐH để thông báo tuyển sinh và đào tạo sai quy định, cơ sở GDĐH phải kịp thời có ý kiến đề nghị cơ quan chức năng can thiệp và báo cáo Bộ GDĐT.
Trước đó, trong năm 2018, Bộ GDĐT đã thành lập các đoàn kiểm tra về tuyển sinh và đào tạo của các cơ sở GDĐH, Cao đẳng Sư phạm (CĐSP), Trung cấp sư phạm (TCSP), các viện nghiên cứu có đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, trong đó có việc kiểm tra các hoạt động liên kết và đào tạo. Theo đó, Bộ GDĐT, yêu cầu các trường ĐH, học viện, báo cáo việc liên kết đào tạo, đào tạo ngoài trụ sở chính. Đến ngày 30.11.2018, có 2 ĐH quốc gia, 3 ĐH vùng và 196 trường có báo cáo về hoạt động này. Qua rà soát, nhiều đơn vị thực hiện liên kết đào tạo khi chưa được phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Số trường có các hoạt động liên kết đào tạo/đào tạo ngoài trụ sở chính không có/không có đủ văn bản cho phép của cơ quan có thẩm quyền là 2 ĐH vùng, 50 trường ĐH, học viện.
Nhiều sai phạm đã được chỉ ra ở những đơn vị này như mở lớp liên kết đào tạo không có văn bản của Bộ GDĐT; đặt lớp liên kết đào tạo không đúng quy định; tổ chức liên kết đào tạo với đối tác không đúng quy định; liên kết đào tạo với đơn vị không đúng đối tượng liên kết...Trong số đó có một số trường ĐH “top” đầu.
Trong năm 2018, Bộ GDĐT đã ban hành 11 quyết định xử phạt vi phạm hành chính ở lĩnh vực nói trên, với tổng số tiền xử phạt là 306.500.000 đồng. Từ 1.1.2019 – 15.5.2019 đã ban hành 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là 55.000.000 đồng.
Liên kết đào tạo, hiểu một cách đơn giản là một mô hình trong giáo dục nhằm tạo cơ hội học tập cho toàn xã hội. Nhờ cách làm này, nhiều người ở vùng sâu, vùng xa; nhiều người bận làm việc, không có thời gian... cũng có cơ hội học tập lên cao. Liên kết đào tạo không phải là một hình thức mới trong ngành giáo dục và nó đang ngày càng phát triển do nhu cầu học tập của các cá nhân đang ngày càng cao. Không chỉ có liên kết đào tạo ở các ngành nghề hấp dẫn như tài chính, kế toán, ngoại ngữ, loại hình liên kết đào tạo còn mở rộng cho khối kỹ thuật, thậm chí phát triển nhanh ở cả lĩnh vực dạy nghề. Liên kết đào tạo trong nước là loại hình liên kết đào tạo giữa các trường. Chẳng hạn như một trường ĐH có rất nhiều cơ sở liên kết ở nhiều vùng tỉnh lẻ và vùng sâu vùng xa. Tham gia các chương trình liên kết này, học viên có thể được học chương trình và nhận bằng do trường ĐH có cơ sở liên kết đó cấp. Theo thống kê, số lượng các chương trình liên kết và cơ sở liên kết đang ngày càng gia tăng. Thậm chí nhiều trường ĐH có từ 20 cơ sở liên kết đào tạo trở lên.
Dẫu lãnh đạo Bộ GDĐT cho rằng, kết quả thanh tra năm 2018 và 2019 đã góp phần phòng ngừa, phát hiện những sai phạm, hạn chế, thiếu sót trong quản lý và kịp thời kiến nghị xử lý vi phạm, đề xuất các biện pháp khắc phục, góp phần chấn chỉnh, duy trì kỷ cương, nền nếp trong hoạt động giáo dục...Ssong dư luận không khỏi băn khoăn: Nếu chỉ xử phạt hành chính, tình trạng “lách luật” để vi phạm trong đào tạo liên thông, liên kết lại tiếp diễn là điều khó tránh khỏi.
Thực tế đào tạo liên kết, liên thông trong nước thời gian qua cho thấy, tuy Bộ GDĐT đã có những động thái mạnh tay, đơn cử như trước đó Bộ đã ban hành các giải pháp chấn chỉnh tình trạng này như Thông tư số 07 ngày 15.3.2017 quy định về liên kết đào tạo trình độ ĐH. Văn bản này được kỳ vọng là cơ sở pháp lý để các cơ sở GDĐH thực hiện, đồng thời là cơ sở pháp lý trong công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, nhưng công tác quản lý nhà nước về các phương thức đào tạo nói trên hiện còn quá nhiều bất cập. Nếu như không muốn nói là đụng vào đâu, thấy sai ở đó!
Theo Vi Cầm (daidoanket.vn)