Sơ cứu nạn nhân tai nạn giao thông:
Còn nhiều “khoảng trống”
Theo các bác sĩ Ngoại khoa, không ít nạn nhân tai nạn giao thông (TNGT) đã tử vong do không được sơ cứu, hoặc sơ cứu không đúng cách. Rất ít người nắm chắc những kiến thức cơ bản về sơ cứu tai nạn rất thường gặp này.
Bị tai nạn, chết vì… sơ cứu
Hiện tại, chưa có con số đầy đủ về số nạn nhân bị TNGT được sơ cứu ban đầu. Theo thống kê của BVĐK khu vực Bồng Sơn, trong số trẻ em bị tai nạn thương tích được điều trị tại phòng Cấp cứu của Bệnh viện trong 2 năm 2011 và 2012, thường gặp nhất là TNGT với 41,4%. Đáng chú ý, tỉ lệ trẻ được sơ cứu trước khi vào viện chỉ là 19,4%.
Hơn 15 năm công tác trong lĩnh vực Ngoại khoa, bác sĩ Mang Đức Tiến Hoan- phụ trách khoa Ngoại, BVĐK TP Quy Nhơn - gặp nhiều trường hợp nạn nhân TNGT tử vong khi vừa đưa vào viện cấp cứu. “Có người bị gãy xương chậu, máu chảy ồ ạt, lại được chuyển viện khi chưa được cầm máu, chưa tiêm thuốc giảm đau, bệnh nhân đau quá nên choáng, ngừng hô hấp, tim ngừng hoạt động dẫn đến tử vong”, bác sĩ Hoan cho biết.
Trong nhiều vụ TNGT nghiêm trọng, chỉ vì quá vội mà nhiều người không để ý nạn nhân không thở được. “Thông thường, chỉ cần thiếu oxy não trong 7-8 phút đã dẫn đến tử vong. Bệnh nhân hôn mê, đường thở không thông, không có oxy lên não thì có chở đi sớm đến mấy cũng tử vong, hoặc để lại di chứng lâu dài”, bác sĩ Đào Văn Nhân, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống, BVĐK tỉnh, nhận định.
Bác sĩ Nhân cũng nêu một cách cứu người khá “tai hại”, nhưng khá phổ biến là cứ thấy người bị TNGT ngã xuống liền xốc lên xe máy chở đi. Với nạn nhân bị tổn thương cột sống, khi được chở đi bằng cách này, lực ở trên “đè” xuống, ở dưới “dội” lên, dễ gây chấn thương thứ phát; nặng nhất là gây thương tổn ở tủy như phù tủy, để lại di chứng nặng nề như liệt hoàn toàn tứ chi, không tự đại tiểu tiện được.
Trong khi đó, với nạn nhân bị chấn thương sọ não, mất tri giác, ngừng thở, nhiều người lại xoa bóp bằng dầu, cao mà không để ý tới vấn đề quan trọng nhất là phải làm cho bệnh nhân thở được. Không chỉ người dân thiếu hiểu biết, mà ngay cả một số nhân viên y tế cơ sở cũng chưa thực hiện tốt công tác sơ cứu ban đầu.
Theo nhiều bác sĩ, hiện nay, hệ thống sơ cứu ban đầu ở tỉnh ta cũng như nhiều địa phương khác chưa đủ điều kiện về con người và trang thiết bị để làm tốt công tác sơ cứu ngay tại hiện trường. Trong khi đó, ở các nước tiên tiến, lượng xe cấp cứu nhiều, được trang bị như một phòng hồi sức thu nhỏ, có máy điện tim, máy thở, có cả máy sốc điện...
Bên cạnh khó khăn về nhân lực và thiết bị, điều kiện giao thông không thuận lợi cũng gây nhiều trở ngại cho công tác sơ cứu ban đầu. Bác sĩ Nguyễn Văn Ngọ, Giám đốc Trung tâm Y tế Vân Canh, chia sẻ: “Nhiều vụ TNGT xảy ra ở các địa bàn xa xôi, khi đưa đến trạm y tế, chúng tôi phải hướng dẫn cho các nhân viên y tế cách sơ cứu ban đầu qua… điện thoại”.
Đừng để cứu thành hại
“Với nạn nhân bị hôn mê, nếu không có nẹp cổ bằng nhựa hoặc vải, có thể dùng bìa carton cứng gấp lại để cố định cổ. Quá trình chuyển bệnh phải chú ý không để cổ cử động”
Bác sĩ MANG ĐỨC TIẾN HOAN, Phụ trách khoa Ngoại, BVĐK TP Quy Nhơn
Theo bác sĩ Mang Đức Tiến Hoan, nạn nhân TNGT thường bị đa chấn thương. Quy trình sơ cứu phải đảm bảo 5 bước: duy trì đường thở thông suốt và bảo vệ cột sống cổ; đánh giá khả năng hô hấp và hỗ trợ thông khí; kiểm soát chảy máu và duy trì huyết động; đánh giá tri giác và xử trí các vấn đề sọ não; bộc lộ toàn thân và kiểm soát thân nhiệt bệnh nhân.
Với quy trình xử trí này, nhiều triệu chứng quan trọng sẽ được phát hiện và xử lý ngay, như tắc đường thở, chấn thương đường thở, tụt não do tụ máu nội sọ, chấn thương cột sống cổ; tràn khí màng phổi nặng, vết thương ngực hở, mảng sườn di động; chèn ép tim cấp tính, sốc mất máu, tràn máu màng phổi lượng nhiều, chảy máu trong ổ bụng, gãy xương chậu không vững, dập nát chi, sốc tim, sốc thần kinh; tổn thương não lan rộng, tụ máu nội sọ; tổn thương bên ngoài...
Bác sĩ Hoan nhấn mạnh: “Nếu nạn nhân bị đa chấn thương có đường hô hấp bình thường thì tiêm morphin để chống choáng do đau, sau đó mới chuyển bệnh”. Còn bác sĩ Đào Văn Nhân thì lưu ý, với nạn nhân hôn mê, quá trình sơ cứu, chuyển bệnh phải coi như bệnh nhân bị chấn thương cột sống cổ, đảm bảo bất động cột sống cổ đúng cách. Đầu, cổ, thân phải nằm trên một mặt phẳng, đầu không xoay, chỉ giữ tư thế thẳng. Nếu chấn thương xảy ra ở vùng lưng thì phải đặt nạn nhân trên ván cứng, không được ngồi.
“Khi di chuyển nạn nhân hôn mê cần 2-3 người, người ở phía đầu dùng 2 tay đỡ dưới vai, cẳng tay kẹp cố định cổ của nạn nhân. Người còn lại đỡ phần dưới của nạn nhân sao cho toàn thân nằm trên một mặt phẳng”, bác sĩ Nhân mô tả.
NGUYỄN VĂN TRANG