ÐOÀN ÐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH BÌNH ÐỊNH:
Góp ý kế hoạch đầu tư công trung hạn, Bộ luật Lao động (sửa đổi)
Ngày 29.5, tham gia thảo luận tổ tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV về phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) và việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Ðoàn ÐBQH tỉnh Bình Ðịnh đã có nhiều ý kiến đóng góp.
Cần giải trình rõ việc bố trí những nguồn vốn lớn
Trước báo cáo thẩm tra về việc phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn cho rằng, giữa tờ trình của Chính phủ và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thẩm tra của Tài chính ngân sách về việc phân bổ dự phòng chung vốn ngân sách Trung ương trong nước còn lại và 10.000 tỉ đồng (từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020) có một số nội dung đã được thẩm tra, kết luận và trình Quốc hội cho ý kiến, song đến nay vẫn chưa được thống nhất.
Theo đại biểu Toàn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kết luận trong 2 phiên họp 33, 34 và có thông báo kết luận về việc thống nhất các danh mục đầu tư trong nguồn vốn 10.000 tỉ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia. Riêng vấn đề bố trí 4.069 tỉ đồng thanh toán nợ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng dự án Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng từ nguồn 10.000 tỉ đồng thì chưa được chấp thuận. Đến nay, Chính phủ tiếp tục trình Quốc hội.
“Tôi đề xuất Chính phủ cần báo cáo với Quốc hội về việc đề xuất bố trí thanh toán khoản tiền 4.069 tỉ đồng này. Lý do sử dụng khoản tiền này, nguồn gốc của nó và sự cần thiết phải thanh toán. Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải có báo cáo gửi Quốc hội lý do tại sao phải sử dụng nguồn 10.000 tỉ đồng để thanh toán cho khoản 4.069 tỉ đồng một cách cụ thể, rõ ràng trước khi đi tới hướng giải quyết cuối cùng; bởi đây là dự án chiếm ngân sách phân bổ khá lớn”, đại biểu Toàn kiến nghị.
ĐBQH tỉnh Nguyễn Phi Long (người đứng) đóng góp ý kiến tại thảo luận tổ về phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Ảnh: quochoi.vn
ĐBQH tỉnh Nguyễn Phi Long đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội về việc phân bổ nguồn vốn 10.000 tỉ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.
Băn khoăn về Bộ luật Lao động (sửa đổi)
Tham gia góp ý Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Phi Long cho rằng có 2 vấn đề sẽ tác động lớn đến thanh niên. Đó là việc tăng giờ làm lên 400 giờ và tăng tuổi nghỉ hưu.
“Quý I/2019, số người trong độ tuổi lao động thất nghiệp là 1,1 triệu người; trong đó, số thanh niên từ 15 đến 24 tuổi chiếm 40,4%. Chính phủ cần có giải pháp tạo việc làm cho đối tượng này. Mặt khác, chúng ta có 1,1 triệu người từ 60 tuổi trở lên nhưng sức khỏe người cao tuổi không cao; nếu không có giải pháp cụ thể cho vấn đề này thì lý lẽ tăng tuổi nghỉ hưu để phù hợp với xu thế của thế giới chỉ là một chiều. Cũng cần có những quy định nhất định cho các DN muốn tăng giờ làm bởi khi chưa có đủ điều kiện đảm bảo hoạt động vui chơi, giải trí, học tập, hỗ trợ người lao động chăm sóc cho con cái... thì việc tăng giờ sẽ tác động tiêu cực đến lao động”, ông Long phân tích.
ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Cảnh đề xuất: Giao cho Chính phủ thống nhất giờ làm việc của cơ quan hành chính Trung ương và cấp tỉnh; giao UBND tỉnh quy định giờ làm việc của cơ quan hành chính cấp huyện, xã phù hợp với điều kiện tự nhiên ở địa phương mình. Thời điểm áp dụng giờ làm việc mới nên từ 1 năm kể từ ngày văn bản có hiệu lực. Đồng thời, nên có riêng phụ lục quy định ngành nghề, công việc phù hợp với lao động chưa thành niên.
Những quy định riêng về chính sách đối với lao động nữ, thúc đẩy bình đẳng giới là rất tiến bộ nhưng đại biểu Long cho rằng phải cụ thể hơn. Nếu quy định trách nhiệm thực hiện là của Nhà nước thì Nhà nước phải có giải pháp, có kế hoạch và khả năng tài chính để triển khai; cũng cần quy định rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động.
ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh ủng hộ phương án 2 (có lý do và thời hạn báo trước) trong quy định về người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng; đề nghị bổ sung quy định đối với trường hợp bố trí không đúng vị trí công việc nhưng đã làm việc ổn định từ 3 tháng trở lên, nếu nghỉ việc cần có lý do.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh tán thành về việc gia nhập Công ước số 98 tại phiên thảo luận tổ chiều 29.5.
Gia nhập Công ước số 98 là “hợp lòng dân”
ĐBQH Lý Tiết Hạnh tán thành về sự cần thiết gia nhập Công ước số 98 về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Điều này phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước trong hội nhập quốc tế về lao động, xã hội, khẳng định quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam với trách nhiệm là quốc gia thành viên ILO, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiến tới ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
TRỌNG LỢI - NGUYỄN MUỘI