Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Tăng tuổi nghỉ hưu không phải chuyện người già 'tranh chỗ' của người trẻ
Sáng 29.5, các đại biểu Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung trả lời phỏng vấn báo chí bên lề phiên họp. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN
Trả lời báo chí bên hành lang Kỳ họp, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định việc tăng tuổi nghỉ hưu không phải chuyện người già “tranh” chỗ của người trẻ, quan chức giữ ghế làm việc. Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phải tính tới yếu tố tăng trưởng việc làm, đảm bảo sự bền vững và cần căn cứ vào rất nhiều mục tiêu khác như đảm bảo bền vững quỹ bảo hiểm trong lâu dài, vấn đề già hóa dân số, giảm dần khoảng cách về giới...
“Mục tiêu điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có một tầm nhìn dài, nhưng phải hành động nhanh chóng, đặc biệt phải tiến tới thích ứng được già hóa dân số vào năm 2035”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cho biết, quy định vể tuổi nghỉ hưu 60 tuổi với nam, 55 tuổi với nữ hiện áp dụng đã có từ những năm 1961, tức là đã hơn 60 năm. Trong khi đó, tuổi thọ trung bình của Việt Nam tại thời điểm đưa ra quy định về tuổi nghỉ hưu đang áp dụng chỉ hơn 45 tuổi, nhưng tới nay tuổi thọ trung bình của Việt Nam đang là 76,6 tuổi, đặc biệt số người sống sau 55 tuổi với nữ hiện lên tới 79,5 tuổi. "Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước có tuổi thọ cao trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Phân tích về sự ổn định của Quỹ Bảo hiểm xã hội, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, hiện thời gian đóng bảo hiểm xã hội của nam và nữ nhìn chung thấp, đóng bình quân 20 năm, nhưng hưởng cao. Ở các nước, mức hưởng lương hưu cao nhất là 45%, nhưng Việt Nam người hưởng lương hưu cao nhất lên tới 75%. Nếu một người đóng bảo hiểm xã hội bình quân 28 năm, đủ để chính người đó hưởng trong 10 năm, những năm còn lại phải lấy quỹ đóng góp bảo hiểm của thế hệ sau chia sẻ cho thế hệ trước.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, vấn đề tuổi hưu đối với người công nhân được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đặc biệt quan tâm. Hiện nay, Chính phủ đang rà soát lại toàn bộ ngành nghề, lĩnh vực, công việc nặng nhọc, độc hại trong danh sách kèm theo Bộ luật. Bộ trưởng nêu rõ, theo quy định, có 24 ngành, nghề có thể nghỉ hưu sớm hơn, tuy nhiên những lao động có trình độ cao cần khuyến khích làm việc suốt đời, cống hiến cho đất nước đến khi nào có thể.
Phân tích sự khác nhau giữa tuổi nghề và tuổi hưu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, tuổi hưu là quy định đủ điều kiện để hưởng chính sách của nhà nước và chế độ bảo hiểm xã hội, còn tuổi nghề lại phụ thuộc vào từng công việc, nhiều người đã nghỉ hưu nhưng vẫn làm nghề như luật sư, nhà khoa học...
Trả lời câu hỏi việc tăng tuổi nghỉ hưu có ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của người trẻ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phải đảm bảo tăng trưởng kinh tế và việc làm cho giới trẻ. Theo Bộ trưởng, Việt Nam không còn ở giai đoạn đỉnh cao của dân số "vàng" mà đang chuyển sang già hóa dân số. Hiện nay, 46% người sau tuổi nghỉ hưu đang đi làm việc tiếp và lực lượng lao động trẻ của Việt Nam không dồi dào, ở nhiều vùng nông thôn chỉ còn người già và phụ nữ.
"Không có chuyện người già "tranh" chỗ của người trẻ, quan chức giữ ghế để làm việc, tăng tuổi nghỉ hưu là chúng ta đang tính cho tương lai. Nếu không tính tuổi nghỉ hưu nghĩa là chúng ta truyền gánh nặng cho thế hệ sau", Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định.
Theo Đỗ Bình (TTXVN/Tin tức)