Phụ nữ và trẻ em dễ bị bướu cổ
Từ đầu năm 2013 đến nay, phòng khám của Trung tâm Phòng chống Sốt rét và Các bệnh nội tiết tỉnh đã tiếp nhận điều trị 16.023 lượt bệnh nhân; trong đó, số người mắc bệnh bướu cổ là 12.170 lượt, 90,3% là nữ. Phụ nữ và trẻ em rất dễ mắc bệnh bướu cổ và các rối loạn khác do thiếu I-ốt.
I-ốt rất quan trọng với sự phát triển của cơ thể, đặc biệt là với trẻ em. I-ốt là vi chất quan trọng để tuyến giáp tổng hợp các hoóc-môn điều chỉnh quá trình phát triển của hệ thần kinh trung ương, hệ sinh dục và các bộ phận trong cơ thể như tim mạch, tiêu hóa, da - lông - tóc - móng, duy trì năng lượng cho cơ thể hoạt động…
I-ốt tham gia tạo hóc-môn tuyến giáp trạng T3 và T4 bằng các liên kết đồng hóa trị. Các hoóc-môn này đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa phát triển cơ thể, kích thích tăng quá trình chuyển hóa tới 30%, tăng sử dụng oxy và làm tăng nhịp tim. Hoạt động của hoóc-môn tuyến giáp là tối cần thiết cho phát triển bình thường của não bộ, thiếu I-ốt dẫn đến suy giáp và gây khuyết tật não, rối loạn chức năng của não.
Có trên 75% lượng I-ốt tập trung ở tuyến giáp và được sử dụng cho tổng hợp hoóc-môn giáp trạng, phần còn lại phân bổ ở các mô khác như thận, tuyến vú, dịch tiêu hóa hay nước bọt…
Ngoài ra, I-ốt còn có vai trò trong việc chuyển hóa Beta - caroten thành vitamin A, tổng hợp protein hay hấp thu đường trong ruột non.
Cơ thể thiếu I-ốt thường xuyên sẽ có những ảnh hưởng khó lường, dẫn tới giảm hoạt tuyến giáp, đặc trưng bởi rụng lông, táo bón, vàng da, sợ lạnh, tăng cholesterol... Ở thời kỳ thiếu niên, thiếu I-ốt khiến sự phát triển thể chất cũng như trí não không bình thường, có thể bị thiểu năng trí tuệ, chậm lớn... Bướu cổ và đần độn là hai biểu hiện hay gặp nhất liên quan đến thiếu I-ốt. Phụ nữ mang thai bị thiếu I-ốt làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của bào thai, đặc biệt là não bộ của trẻ. Khoa học đã chứng minh, thiếu I-ốt ở mẹ từ mức trung bình đến nặng có thể gây chậm phát triển não của thai nhi và sinh ra đứa trẻ chậm phát triển trí tuệ, thậm chí đần độn hoặc mang khuyết tật...
Dùng muối I-ốt và các chế phẩm có I-ốt là để bổ sung I-ốt cho cơ thể. Cách bổ sung I-ốt đơn giản và hiệu quả nhất là dùng muối I-ốt thường xuyên trong bữa ăn hằng ngày. Trung bình mỗi ngày một người chỉ cần khoảng 6-10g muối I-ốt; không nên dùng nhiều, bởi lượng I-ốt được cung cấp quá nhiều sẽ gây nên hội chứng cường giáp, hay gặp nhất là bệnh Basedow, nhiễm độc giáp, viêm giáp.
I-ốt là chất dễ bay hơi nên cần chú ý cách bảo quản, chế biến để tránh hao hụt, như: không rang muối I-ốt, không để muối I-ốt gần lửa nóng hay nơi có ánh nắng chiếu vào, nên để trong túi nhựa kín hoặc chai lọ có nắp đậy và để nơi khô ráo.
BS. HOÀNG XUÂN THUẬN