Xã Cát Hanh (Phù Cát): Chậm chi trả tiền làm đường bê tông cho dân
Vận động người dân ứng tiền ra trước để làm đường bê tông nông thôn, sau đó xã sẽ trả lại. Nhưng khi các tuyến đường đã hoàn thành cách đây 2 năm, xã vẫn chưa trả lại tiền cho người dân. Ðiều này diễn ra tại xã Cát Hanh (huyện Phù Cát), khiến người dân bức xúc.
Một tuyến đường BTXM tại xã Cát Hanh.
Dân ứng tiền cho xã
Ông Võ Thanh Hải, Trưởng thôn Khánh Phước, cho biết: Năm 2017, theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhân dân trong thôn họp bàn, đăng ký làm đường bê tông xi măng (BTXM) cho nhiều tuyến đường có tổng chiều dài khoảng 3 km, đa số là xây dựng theo tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn loại C (nền đường rộng 4 m, mặt đường rộng 2,5 m, bê tông dày 16 cm). Vào thời điểm đó, UBND xã thông báo nếu nhân dân đăng ký làm đường BTXM sẽ được tỉnh hỗ trợ xi măng, xã hỗ trợ kinh phí cát, sạn và người dân đóng góp một phần kinh phí và ngày công.
Tuy nhiên, do kinh phí xã khó khăn nên khu vực nào có điều kiện thì người dân ứng tiền ra trước để làm, hai năm sau xã sẽ trả lại cho người dân. Do đó, với hơn 3 km đường BTXM đã làm, người dân trong thôn đã đóng góp và ứng ra trước hàng trăm triệu đồng”, ông Hải bày tỏ. Ông Hải còn nêu dẫn chứng như tuyến đường BTXM từ Ngõ Trường đi Hanh Lương dài 1 km, mặt đường rộng 2 m, 18 hộ dân mỗi hộ đã ứng trước 3 triệu đồng để làm. Tương tự, tại thôn Tân Hóa Bắc, năm 2017 toàn thôn đã làm 5 tuyến đường BTXM tại xóm 2 và xóm 3 với chiều dài khoảng 800 m. Các tuyến đường này, người dân đã ứng trước gần 40 triệu đồng để làm. Còn ông Võ Đình Khoa, Trưởng thôn Tân Hóa Bắc, bày tỏ: “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên xã trả lại số tiền mà người dân đã ứng ra nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết”.
Bao giờ trả lại cho dân?
Theo tìm hiểu của PV, tại xã Cát Hanh, khi làm đường BTXM, ngoài xi măng được tỉnh hỗ trợ theo chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn giai đoạn 2016 - 2020, đối với tuyến đường loại B (nền đường rộng 5 m, mặt đường rộng 3 m, bê tông dày 18 cm) thì xã sẽ hỗ trợ 170 triệu đồng/km, loại C (nền đường rộng 4 m, mặt đường rộng 2,5 m, bê tông dày 16 cm) xã hỗ trợ 140 triệu đồng/km và loại D (nền đường rộng 4 m, mặt đường rộng 2 m, bê tông dày 16 cm) là 100 triệu đồng/km. Lý giải việc chậm chi trả tiền hỗ trợ, ông Võ Văn Sáu, Chủ tịch UBND xã Cát Hanh, cho rằng: “Vì xã không có tiền do đã đầu tư rất nhiều kinh phí xây dựng các công trình để về đích nông thôn mới năm 2016, nếu không chịu thì người dân phải đi đường đất. Trước đó, họp HĐND xã cũng đã công khai cho các đại biểu vùng nào có tiền thì làm chứ không có bắt buộc. Vùng nào có nhu cầu, tỉnh sẽ hỗ trợ xi măng, phần xã nợ 2 năm sẽ trả tiền cho người dân. Với khoản kinh phí 2,3 tỉ đồng xã đang nợ người dân từ xây dựng 94 tuyến đường có chiều dài 17,8 km đường BTXM năm 2017 thì sau khi thu được tiền từ đấu giá đất ở trên địa bàn trong năm nay sẽ trả cho người dân”.
Qua làm việc với PV, các trưởng thôn Tân Hóa Bắc, Khánh Phước đều khẳng định rằng: “Quy định người dân ứng tiền trước để làm đường BTXM hai năm sau xã sẽ trả lại” đã thông báo cho người dân là theo tinh thần Nghị quyết của HĐND xã. Tuy nhiên, khi PV đặt vấn đề với Chủ tịch UBND xã Cát Hanh căn cứ vào đâu mà địa phương lại ra nghị quyết này thì vị lãnh đạo này cho biết đây chỉ là thông báo trong cuộc họp trực báo chứ không phải là Nghị quyết HĐND xã như các trưởng thôn cho biết.
Xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, nhưng không phải vì thế mà các địa phương nóng vội, chạy theo thành tích. Hơn thế, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, việc tạo niềm tin đối với người dân để có sự đồng thuận, cùng chung tay góp sức thực hiện các công trình là vô cùng quan trọng. Vì vậy, việc chậm chi trả lại tiền xây dựng đường BTXM cho người dân của UBND xã Cát Hanh đã tạo dư luận không tốt tại địa phương.
HỒNG PHÚC