Cù Lao Xanh & phát triển du lịch bền vững
Mỗi năm, Cù Lao Xanh - một tên gọi khác của xã đảo Nhơn Châu, TP Quy Nhơn - đón hơn 1.000 lượt khách tham quan. Cũng chỉ mới vài ba năm gần đây thôi, nhưng cùng với các chuỗi nhà hàng, homestay lưu trú phục vụ du khách đang hình thành là những nỗi ưu tư.
Một góc xã đảo Nhơn Châu (phía bãi trước).
Cù Lao Xanh & du lịch
Tài nguyên sẵn có của Nhơn Châu có thể kể đến là: bãi biển hoang sơ, rặng san hô, hải đăng Cù Lao Xanh, những dãy đá, gành đá tuyệt đẹp… Những yếu tố này có từ trước đó rất lâu, song phải đến năm 2016, khi các DN du lịch lữ hành khai thác mạnh, xuất hiện những tour biển đảo, mở tuyến kết nối đất liền với Cù Lao Xanh, lúc này đảo mới góp mặt trong danh sách những điểm du lịch khi tới Bình Định.
Trước đây cả xã có 5 chiếc đò máy chuyên chở khách, hàng hóa nên từ tháng 9 đến tháng Giêng năm sau việc đi lại khá khó khăn do thời tiết xấu. Xã cũng chưa có điện lưới quốc gia, việc cung cấp điện cho nhân dân trên đảo cũng ở mức tối thiểu, lượng khách tham quan rất ít… Nay, chỉ riêng các đơn vị du lịch lữ hành đã có 10 chuyến ca nô cao tốc qua lại mỗi ngày, khách du lịch tới Nhơn Châu tăng lên sau mỗi mùa. Trên đảo đã có 7 homestay kết hợp nhà hàng phục vụ hải sản theo tour, 2 đơn vị du lịch lữ hành khai thác tour chuyên nghiệp. Nói đến du lịch dân trên đảo ai cũng háo hức, rộn ràng.
Du lịch hình thành kéo theo sự phát triển của nhiều lĩnh vực khác, rõ rệt nhất là phát triển kinh tế, đời sống người dân cải thiện; dịch vụ du lịch như ăn uống, lưu trú, kinh doanh đặc sản hình thành. Anh Nguyễn Tâm Niên, chủ cơ sở kinh doanh đặc sản Hương Niên chia sẻ, khách du lịch là yếu tố then chốt để phát triển kinh doanh. Trước đây, người dân chỉ bán thô đặc sản cho tiểu thương đưa vào Quy Nhơn. Nay, nhu cầu mua đặc sản trên đảo làm quà của khách du lịch tăng cao. Nhờ đó, việc kinh doanh phát triển tới mức gần như hộ dân nào cũng háo hức tìm cơ hội đáp ứng.
Hải đăng Cù Lao Xanh - biểu tượng của đảo.
Để đáp ứng nhu cầu của khách, từ chỗ bỡ ngỡ, gia đình anh Niên nhanh chóng đầu tư mua thêm máy móc thiết bị trong việc đóng gói, bảo quản sản phẩm, nâng cao chất lượng đặc sản mà chiếc máy hút chân không là một ví dụ. “Khách mang về không đơn thuần là túi đặc sản ở Cù Lao Xanh, mà ở đó còn liên quan đến hình ảnh của địa phương. Khách tin tưởng, họ trở lại đảo là thêm cơ hội cho mình kinh doanh, là mở thêm cánh cửa để du lịch đảo phát triển”, anh Niên cho hay.
Cần quy hoạch để phát triển bền vững
Khẳng định du lịch phát triển là tín hiệu đáng mừng cho xã đảo Nhơn Châu với những thay đổi như đời sống người dân được cải thiện, đóng góp cho phát triển KT-XH, quảng bá hình ảnh địa phương; song ông Đặng Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Châu cũng băn khoăn, du lịch ở Nhơn Châu manh mún, hình thành tự phát, khai thác dựa trên tài nguyên sẵn có của địa phương; thiếu quy hoạch tổng thể cũng như kế hoạch phát triển bền vững.
Lặn biển, ngắm san hô là một trong những trải nghiệm thu hút du khách đến với Nhơn Châu.
Du lịch phát triển còn khiến nghề nuôi mực thương phẩm bằng lồng bè, tìm thấy nhiều giá trị cộng thêm. Ví dụ, không chỉ bán con mực như một loại thực phẩm tươi sống, người dân Nhơn Châu còn bán được dịch vụ trải nghiệm câu mực đêm cho khách lưu trú trên đảo. Anh Nguyễn Văn Hiển, chủ một bè nuôi mực cho biết, với gói dịch vụ câu mực đêm, chúng tôi tính chi phí 500 nghìn đồng/1 kg mực câu được, khách sử dụng theo nhu cầu. Chẳng hạn, một gia đình nuôi 2 bè mực/6 lồng; phân loại 1 bè chuyên dùng để bán thương phẩm, 1 bè chuyên phục vụ du lịch. Lượng khách ổn định, lợi nhuận thu được từ bè phục vụ du lịch sẽ cao hơn. Chính vì lẽ đơn giản ấy mà đòi hỏi phát triển du lịch bền vững gắn với cộng đồng đã là nguyện vọng của người xứ đảo.
Về lâu dài, nếu du lịch tiếp tục phát triển, cư dân trên đảo cùng hưởng lợi khi tham gia vào các chuỗi liên kết, cung ứng dịch vụ với các DN khai thác lữ hành, gói dịch vụ câu mực là một ví dụ. Tuy nhiên, theo nhận định của chính quyền địa phương, du lịch phát triển “nóng” ở Nhơn Châu chưa hoàn toàn tốt. Ông Đặng Văn Khánh bày tỏ: Nhơn Châu còn thiếu thốn về hạ tầng vật chất, số lượng và cả chất lượng các cơ sở dịch vụ, công tác quy hoạch, quản lý chưa theo kịp, phát triển nóng dẫn tới nhiều yếu tố bất lợi. Riêng việc điện chạy bằng dầu diezen chỉ có mỗi ngày 12 giờ đã là một trở ngại lớn. Yếu tố hấp dẫn khách là vẻ đẹp hoang sơ của hòn đảo, song khi trào lưu tìm kiếm những điểm đến hoang sơ qua đi thì điều hấp dẫn và kéo khách trở lại là gì, chưa ai, chưa cơ quan nào có câu trả lời cho vấn đề này.
THU DỊU