Ðại biểu Quốc hội tỉnh Bình Ðịnh:
Góp ý Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy
Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII đang diễn ra, trong phiên thảo luận về Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC), đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Ðoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Ðịnh) đã góp ý về Dự án luật này. Báo Bình Ðịnh trích đăng một số nội dung sau:
Cá nhân phải báo chính quyền khi phát hiện chất dễ cháy, nổ trái phép
Tại điểm b, khoản 3b, Điều 5 quy định về trách nhiệm cá nhân và tìm hiểu học tập pháp luật về kiến thức PCCC, bảo quản, sử dụng thành thạo các phương tiện PCCC thông thường, các phương tiện PCCC được trang bị, theo tôi, chỉ quy định trách nhiệm cá nhân là bảo quản, sử dụng thành thạo các phương tiện PCCC được trang bị. Riêng đối với các phương tiện PCCC thông thường (theo tôi hiểu là phương tiện công cộng) thì trách nhiệm bảo quản thuộc cơ quan quản lý thiết bị đó. Việc hướng dẫn cá nhân sử dụng thành thạo các phương tiện PCCC công cộng sẽ được bổ sung thêm trong khoản 2e Điều 6 quy định các cơ quan quản lý nhà nước tuyên truyền, phổ biến kiến thức và khả năng PCCC đến người dân.
Vấn đề thứ hai, tại điểm d, khoản 3b, Điều 5 quy định trách nhiệm cá nhân ngăn chặn nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy và những hành vi vi phạm quy định về an toàn PCCC thì cần thiết, cần bổ sung thêm cá nhân có trách nhiệm báo cáo với chính quyền khi phát hiện có hành vi chứa chất dễ cháy, nổ trái với quy định pháp luật trong khu dân cư, đồng thời chính quyền có trách nhiệm kiểm tra khi được cá nhân thông báo. Tránh trường hợp cá nhân chứa chất nổ gây chết người, sập nhà cửa và thiệt hại nhiều tài sản khác như đã xảy ra đầu năm tại TP Hồ Chí Minh.
Quy định dùng vật liệu trang trí nội thất chống cháy là chưa phù hợp
Huy động quân đội cùng tham gia chữa cháy
“Hiện nay, trong thực tế khi thực hiện chữa cháy còn có một số trường hợp xảy ra tình trạng hết nước và xa nguồn nước. Vì vậy, tôi đề nghị cần quy định rõ thêm ở các công trình nhà cao tầng, khu công nghiệp, khu dân cư… cần phải có họng cấp nước công cộng để khắc phục tình trạng nói trên. Cơ quan cấp nước của địa phương có trách nhiệm đưa nguồn nước tới họng cấp nước.
Trong các vụ cháy lớn cần nhiều loại thiết bị, phương tiện để cứu người và chữa cháy, cần huy động quân đội cùng tham gia, vì vậy tôi đề nghị luật có 1 khoản quy định Chính phủ có quy chế phối hợp giữa công an và quân đội trong việc chữa cháy đối với một số trường hợp đặc biệt”.
ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh
Tại điểm a, khoản 2, Điều 9a quy định người đứng đầu doanh nghiệp (DN), chi nhánh và người đại diện theo pháp luật của cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy phải có văn bằng, chứng chỉ tương ứng với hoạt động kinh doanh. Theo tôi, quy định này chưa tạo điều kiện để DN tham gia vào lĩnh vực PCCC. Nhiều DN hoạt động trên nhiều lĩnh vực, nếu họ muốn tham gia thêm một lĩnh vực nữa mà phải đi học để lấy văn bằng thì không phù hợp. Đề nghị chỉ yêu cầu họ có chứng chỉ khi tham gia lĩnh vực PCCC sẽ phù hợp hơn.
Khoản 1, Điều 23 quy định đối với công trình cao tầng phải sử dụng vật liệu xây dựng, vật liệu trang trí nội thất (TTNT) chống cháy, tôi đề nghị chỉ quy định sử dụng vật liệu xây dựng chống cháy là phù hợp. Đối với vật liệu TTNT, quy định dùng vật liệu chống cháy là chưa phù hợp bởi vật liệu TTNT gồm có gỗ, vải…, các loại dùng để làm sàn nhà, bàn ghế, tủ, rèm thì không phải vật liệu chống cháy. Nếu quy định như dự thảo luật thì không thể làm được nội thất trong các công trình. Theo tôi, chỉ quy định không sử dụng các vật liệu TTNT dễ bắt lửa là phù hợp.
Tại khoản 4, Điều 23 quy định “Nhà khung thép mái tôn có diện tích lớn dùng để làm nơi sản xuất, kho chứa hàng dễ cháy nổ phải có giải pháp chống cháy lan và tăng giới hạn chịu lửa”, theo tôi quy định “tăng giới hạn chịu lửa” là chưa phù hợp. Bởi vì, quy định tăng giới hạn chịu lửa thì không biết kết cấu như thế nào mới đạt mục tiêu chống chịu lửa và chịu trong bao lâu, trong khi gây tốn kém cho DN khi xây dựng công trình. Theo tôi, chỉ nên quy định đối với những nhà kho chứa các vật liệu dễ cháy nổ thì yêu cầu có giải pháp PCCC nghiêm khắc hơn, thiết bị nhiều hơn. Quy định về giải pháp PCCC sẽ linh hoạt hơn, không nên đề cập tới kết cấu của công trình.
SỸ NGUYÊN (lược ghi)