Từ cái trang đến “trang trải”
Hẳn nhiều người cho rằng, cái trang (một dụng cụ để cào lúa) và từ “trang trải” chẳng quan hệ gì với nhau. Nhưng sẽ thật thú vị nếu chúng ta biết “trang” trong “trang trải” cũng như nghĩa của từ này liên quan mật thiết đến dụng cụ của nhà nông vừa nói.
Cụ Nguyễn Công Trứ có một câu thơ mà có lẽ một số người thời nay sẽ cảm thấy khó hiểu: Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo. Nguyên nhân là bởi từ “trang” mà ta ít dùng, ít gặp. Trong tiếng Việt, có một số từ vừa là danh từ (chỉ một sự vật nào đó) vừa là động từ (chỉ một hoạt động liên quan đến sự vật đó), chẳng hạn như: sơn, trang... Sơn vừa là tên một loài cây (cây sơn), vừa là tên của một loại chất “dùng để chế biến chất liệu hội họa hoặc để quét lên đồ vật cho bền, đẹp” (nước sơn; ban đầu, chất này được làm từ mủ của cây sơn nên được gọi là “sơn”), vừa chỉ hoạt động quét sơn lên bề mặt đồ vật (sơn quét). Tương tự, trang vốn là “đồ dùng gồm một miếng gỗ tra vào cán dài, để san hoặc cào dồn lại thành đống”; rồi được dùng để chỉ hoạt động dùng cái trang để san đều, trải đều ra.
“Trang” trong câu thơ của cụ Nguyễn được dùng với nghĩa động từ và câu thơ này có thể hiểu là “nợ tang bồng đã được san đều hết cả rồi, tức đã trả xong xuôi hết, nên có thể vỗ tay mà reo cười” (“trắng” trong câu này không phải chỉ màu sắc mà dùng để nhấn mạnh, tương tự như trong “nói trắng ra”).
“Trang” là động từ với nghĩa “san ra” nên nó có thể kết hợp với động từ gần nghĩa “trải” để tạo thành tổ hợp đẳng lập “trang trải” mang ý nghĩa khái quát hơn (như nhiều trường hợp khác trong tiếng Việt). Từ điển tiếng Việt định nghĩa “trang trải” là “thu xếp để trả các khoản cho hết, cho xong. Trang trải nợ nần. Lo trang trải mọi khoản” (Hoàng Phê chủ biên, 1992, tr. 1004). Chúng tôi nghĩ rằng, định nghĩa này làm hẹp phạm vi nghĩa của từ. Chẳng hạn, trong cách dùng: “Họ làm thêm để trang trải trong cuộc sống”, từ “trang trải” không chỉ mang nghĩa “trả các khoản”. Trong trường hợp này, nghĩa gốc của từ là “san ra, trải ra” vẫn còn để lại dấu ấn đậm nét.
ThS. PHẠM TUẤN VŨ