Chính sách thanh toán chi phí dịch vụ gây tê trong phẫu thuật: BHXH Việt Nam và Bộ Y tế “đá” nhau
Quý I/2019, khoảng 18 tỉ đồng của các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trong tỉnh có triển khai phẫu thuật sử dụng phương pháp vô cảm gây tê bị “đóng băng”, và chưa biết có được thanh toán hay không!
Chuyện bắt đầu từ Công văn 285 của BHXH Việt Nam năm 2019 hướng dẫn thực hiện Thông tư 39/2018/TT-BYT của Bộ Y tế (có hiệu lực thi hành từ 15.1.2019) quy định: Trường hợp cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) thực hiện phẫu thuật sử dụng phương pháp vô cảm gây tê (gây tê tại chỗ, gây tê tủy sống, gây tê ngoài màng cứng, gây tê vùng, gây tê đám rối) nhưng không có mức giá quy định thanh toán đối với các phẫu thuật sử dụng phương pháp vô cảm gây tê mà chỉ có giá dịch vụ gây mê thì tạm thời chưa thanh toán theo mức giá quy định tại Thông tư 39.
BHXH tỉnh vẫn “treo” thanh toán chi phí BHYT trong phẫu thuật bằng gây tê của các cơ sở KCB.
- Trong ảnh: Một ca phẫu thuật sử dụng gây tê tại BVĐK tỉnh.
Đây là cơ sở để BHXH tỉnh thông báo tạm thời chưa thanh toán chi phí dịch vụ gây tê cho 18 cơ sở KCB; trong đó, riêng BVĐK tỉnh bị “treo” nhiều nhất, khoảng 5,3 tỉ đồng, thấp nhất là TTYT huyện Vân Canh - 34 triệu đồng.
Các bộ “đá” nhau, cơ sở KCB lãnh đủ
Cầm trên tay các quy định liên quan đến giá các phẫu thuật trong lĩnh vực y tế, bác sĩ Ngô Xuân Thế, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tổng hợp (BVĐK tỉnh) cho biết, quy định giá các dịch vụ phẫu thuật trọn gói dùng phương pháp gây mê nhưng không có giá dịch vụ phẫu thuật cho phương pháp gây tê. Trước năm 2018, cơ quan BHXH vẫn thanh toán các dịch vụ trên, nhưng dùng phương pháp khấu trừ (nghĩa là nếu thực hiện bằng gây tê, mức giá thanh toán bằng giá của thực hiện bằng gây mê trừ đi chi phí gây mê và cộng thêm chi phí gây tê theo thực tế sử dụng). Nhưng đầu năm 2019 thì tạm ngưng thanh toán chi phí dịch vụ gây tê của quý I/2019, để chờ ý kiến của Bộ Y tế về thực hiện Thông tư 39.
Phương pháp vô cảm gây tê hiện được thực hiện ở hầu hết các phẫu thuật thông thường tại nhiều chuyên khoa, ngoại trừ các phẫu thuật kéo dài. Bị “treo” khoảng 664 triệu đồng chi phí dịch vụ gây tê, Giám đốc TTYT TX An Nhơn - bác sĩ Lê Thái Bình - cho hay: Điều này gây rất nhiều khó khăn bởi khi chi thì chi trọn gói theo dịch vụ đã sử dụng. Nhưng do BHXH “treo” như thế nên giờ lại nợ một số khoản như thuốc, vật tư y tế, phụ cấp phẫu thuật cùng nhiều chi phí tiêu hao khác. Trong khi đó, đơn vị phải tự chi trả lương và thu nhập tăng thêm cho nhân viên, cân đối các nguồn chi thường xuyên cho hoạt động KCB.
Toàn bộ các bệnh viện ở tỉnh ta vẫn thực hiện đúng quy định chuyên môn, phân tuyến kỹ thuật. Nói cách khác, các trục trặc về thủ tục hành chính không ảnh hưởng đến chất lượng điều trị”.
Nguyên nhân chưa thanh toán dịch vụ này, theo tìm hiểu của chúng tôi là do Bộ Y tế và BHXH Việt Nam “đá” nhau về quy định. Thông tư 39/2018 của Bộ Y tế ban hành về giá dịch vụ y tế thống nhất BHYT trong toàn quốc vốn không có giá cho dịch vụ y tế phẫu thuật bằng phương pháp gây tê (ngoại trừ phẫu thuật chuyên khoa mắt). Sau đó, Bộ Y tế có hướng dẫn mức giá thanh toán cho phẫu thuật dù gây tê hay gây mê theo giá gây mê.
Thế nhưng, BHXH Việt Nam vẫn không chấp nhận với lý do Bộ chưa ban hành cơ cấu giá cho phẫu thuật bằng gây tê nên không có cơ sở giám định thanh toán BHYT. Đến nay, cả hai bên đều bảo lưu ý kiến của mình; BHXH Việt Nam vẫn tiếp tục chỉ đạo “treo” chi phí phẫu thuật bằng gây tê cho đến khi Bộ Y tế ban hành cơ cấu giá phẫu thuật gây tê.
Bệnh nhân có bị ảnh hưởng?
Tại BVĐK tỉnh, phẫu thuật sử dụng phương pháp gây tê được thực hiện nhiều nhất trong phẫu thuật sản, phụ khoa. Bác sĩ Nguyễn Hữu Tiến, Phó trưởng khoa Phụ sản cho hay, lượng bệnh nhân phẫu thuật các bệnh phụ khoa và lấy thai là 800 - 1.000 ca/tháng (90% sử dụng dịch vụ gây tê). Trong phác đồ đều trị sản phụ khoa do Bộ Y tế ban hành, không khuyến khích gây mê nội khí quản mà chọn gây tê tủy sống vì như vậy sẽ tốt cho bệnh nhân hơn. Thêm nữa, nếu sử dụng phương pháp gây mê nội khí quản, thuốc gây mê có thể đi qua động mạch rốn gây ngủ tạm thời cho thai nhi. Chọn phương pháp nào thì bác sĩ cũng phải đảm bảo an toàn cao nhất cho bệnh nhân.
Hiện nay, hầu hết dịch vụ phẫu thuật đều sử dụng phương pháp gây tê để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. Chưa kể, trong phẫu thuật có trường hợp gây tê thất bại thì phải chuyển sang gây mê. Sự cứng nhắc trong quy định thanh toán dễ dẫn đến cân nhắc lựa chọn dịch vụ y tế gây căng thẳng cho nhân viên y tế và ảnh hưởng bệnh nhân. Tạm ngưng thanh toán dịch vụ kéo dài cũng dẫn đến việc bệnh viện thiếu hụt kinh phí hoạt động. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, đến nay toàn bộ các bệnh viện ở tỉnh ta vẫn thực hiện đúng quy định chuyên môn, phân tuyến kỹ thuật. Nói cách khác, các trục trặc về thủ tục hành chính không ảnh hưởng đến chất lượng điều trị.
Phó Giám đốc BHXH tỉnh Hà Thúc Chí thừa nhận, do chưa quyết toán xong chi phí KCB BHYT quý I/2019, một số cơ sở KCB chưa biết về số chi phí bị “treo” lại nên hiện việc này chưa gây ra khó khăn gì cho các cơ sở. Nhưng nếu kéo dài đến quý II/2019, chắc chắn ảnh hưởng đến hoạt động của bệnh viện do thiếu kinh phí.
“BHXH tỉnh sẽ phối hợp Sở Y tế kiến nghị lên Bộ Y tế và BHXH Việt Nam cần thống nhất giải pháp tạm thời như năm 2018 để thanh toán chi phí trên trước khi BộY tế ban hành cơ cấu giá phẫu thuật bằng phương pháp gây tê”, ông Chí nhấn mạnh.
“Khi Bộ Y tế ban hành khung giá dịch vụ y tế thì cơ quan đầu tiên thẩm định, góp ý kiến là BHXH Việt Nam. Vì thế, ngay khi phát hiện vấn đề bất cập, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam phải ngồi lại để thống nhất sửa đổi, không thể đẩy phần khó cho cơ sở KCB”.
Giám đốc Sở Y tế LÊ QUANG HÙNG
“Ðây là vấn đề của hai cơ quan cấp Trung ương quản lý chính sách BHYT không thống nhất, làm khó cho cả cơ sở KCB và cơ quan BHXH tại các địa phương trong quá trình giám định thanh toán chi phí KCB BHYT”.
Phó Giám đốc BHXH tỉnh HÀ THÚC CHÍ
MAI HOÀNG