Đại biểu Quốc hội cảnh báo sự xuống cấp đạo đức, nhân cách xã hội
Đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (đoàn Hòa Bình) cho rằng, sự xuống cấp đạo đức, nhân cách trong xã hội đã đến mức "báo động".
Phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế-xã hội sáng 31.5, đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (đoàn Hòa Bình) đề cập tới các loại tội phạm bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em đang có xu hướng gia tăng, gây bức xúc trong dư luận, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.
Đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (đoàn Hòa Bình).
Theo bà, nạn nhân của loại tội phạm này thường thuộc nhóm đối tượng ít có khả năng tự bảo vệ, nạn nhân còn nhỏ tuổi, đặc biệt, có những vụ án sau khi thực hiện hành vi đồi bại, kẻ phạm tội còn đánh đập nạn nhân, giết người phi tang; độ tuổi phạm tội có xu hướng trẻ hóa. Đây là những yếu tố báo động về sự xuống cấp đạo đức, nhân cách trong xã hội hiện nay.
Hậu quả của loại tội phạm này gây ra là hết sức nặng nề cho gia đình bị hại; nạn nhân không chỉ đau đớn về thể xác, hoảng loạn về tinh thần mà còn gây tổn hại về kinh tế, tương lai sau này của các em.
Qua kết quả nghiên cứu của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em thì có 60% trẻ em sau các vụ xâm hại tình dục bị tổn thương ở các mức độ khác nhau, luôn mặc cảm, lo sợ và xa lánh mọi người.
Tội phạm giết người man rợ xuất phát từ mâu thuẫn tức thì hoặc thù hận, dẫn đến những vụ thảm án đau lòng, nhất là vụ 3 bà cháu bị sát hại ở Lâm Đồng.
Bên cạnh đó, tội phạm về ma túy tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường với sự xuất hiện của nhiều loại ma túy mới, việc mua bán, vận chuyển các loại ma túy tổng hợp, các chất hướng thần gia tăng.
“Trào lưu đập đá trong giới trẻ đang là cơn lốc ngầm khủng khiếp, gắn với các cuộc ăn chơi thâu đêm suốt sáng tại các quán bar, vũ trường” – đại biểu Thủy cho biết.
Theo đại biểu đoàn Hòa Bình, đáng buồn và lo lắng không kém là bạo lực học đường. Theo thống kê của ngành Công an, trong quý I năm 2019, có 310 vụ bạo lực học đường, hàng loạt thông tin, clip đăng tải cảnh đánh đập hội đồng một học sinh. Nguyên nhân không hoàn toàn ở các em mà còn là trách nhiệm của những người chăm sóc, quản lý.
Trước tình hình và thực trạng của một số loại tội phạm trên, nữ đại biểu đề nghị Chính phủ tăng cường các giải pháp phòng ngừa, kiên quyết xử lý, đấu tranh trấn áp các loại tội phạm để đảm bảo trật tự an toàn xã hội; Tập trung chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên các cấp ủy đảng, chính quyền, cụ thể hóa mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ phù hợp với từng địa phương, đơn vị; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác phòng chống tội phạm.
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện phòng chống tội phạm, tích cực phổ biến, tuyên truyền pháp luật trong nhân dân, nâng cao vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội.
Đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm tăng số lượng cơ cấu chức danh kiểm soát viên trung cấp cho Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện nhằm đảm bảo đủ số lượng, chất lượng cán bộ tư pháp.
Đề nghị Quốc hội, Chính phủ tăng nguồn kinh phí cho việc thực hiện các chương trình chiến lược có liên quan đến công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm cho một số địa phương có án ma túy ở Tây Bắc và các tỉnh có cửa khẩu biên giới.
MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên cần chủ động phối hợp với các cơ quan tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong các tầng lớp nhân dân; xây dựng và nhân rộng các mô hình cộng đồng hiệu quả trong công tác bảo vệ an ninh trật tự và phòng chống tội phạm./.
Theo Kim Anh (VOV.VN)