NHÂN THÁNG HÀNH ÐỘNG VÌ TRẺ EM NĂM 2019:
Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số
Ngày 1.6, cùng với cả nước, Bình Ðịnh bước vào ngày đầu tiên của Tháng hành động vì trẻ em năm 2019 với chủ đề “Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số”. Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông Nguyễn Mỹ Quang, Giám đốc Sở LÐ-TB&XH về việc triển khai Tháng hành động trên địa bàn tỉnh.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Mỹ Quang tặng quà cho trẻ em Làng Trẻ em SOS Quy Nhơn nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1.6.2019.
* “Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số” - chủ đề chung của Tháng hành động vì trẻ em năm nay được đánh giá rất thiết thực, ý nghĩa. Xin ông cho biết, tại Bình Định, công tác chăm sóc, bảo vệ hai đối tượng trẻ em này thời gian qua được quan tâm như thế nào?
- Toàn tỉnh hiện có gần 28.000 trẻ em đang sống trong hộ gia đình nghèo và cận nghèo, trên 11.200 trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và học tập.
Thời gian qua, các chế độ, chính sách theo quy định đối với trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em đồng bào DTTS đã được các sở, ngành, địa phương quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời. Các em được miễn, giảm học phí, được hỗ trợ chi phí học tập, tiền ăn trưa đối với học sinh bán trú; được cấp thẻ BHYT, được hỗ trợ đồng chi trả khi khám, chữa bệnh chi phí cao, được hỗ trợ tiền ăn trong thời gian nằm viện, chi phí chuyển viện.
Trong năm 2018, ngân sách tỉnh đã dành trên 20,5 tỉ đồng chi trợ cấp hàng tháng cho 3.071 trẻ em mồ côi, khuyết tật và gần 10,2 tỉ đồng chi trợ cấp cho trẻ em trong độ tuổi đi học là con của các bà mẹ đơn thân thuộc diện hộ nghèo. Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh cũng đã cấp 360 suất học bổng, 70 chiếc xe đạp, 350 bộ đồ dùng dụng cụ học tập cho trẻ em nghèo, trẻ em DTTS vượt khó học giỏi…
Tuy nhiên, mức hỗ trợ đối với học sinh hộ nghèo, đồng bào DTTS vẫn còn thấp, cần có sự chung tay, góp sức của cộng đồng để các em thêm thuận lợi, thêm động lực vươn lên trong cuộc sống.
Tháng hành động vì trẻ em năm 2019 có chủ đề “Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số”.
- Trong ảnh: Học sinh huyện An Lão tại Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2019.
* Tháng hành động vì trẻ em năm nay sẽ tập trung vào những hoạt động nào, thưa ông?
- Chương trình của Tháng hành động vừa mang tính bao quát, vừa đi sâu, nỗ lực đáp ứng phần nào một số vấn đề thiết thực trong cuộc sống của các em.
Đơn cử như với mối lo đuối nước, nhất là dịp hè, Sở đang tăng cường phối hợp cùng các địa phương tổ chức một số hoạt động phòng tránh như dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em. Cụ thể trong tháng 6 sẽ tổ chức 17 lớp dạy bơi miễn phí, ưu tiên cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (HCĐB), sau đó sẽ tổ chức hội thi bơi dành cho trẻ em tại huyện Hoài Ân, Phù Mỹ và TP Quy Nhơn.
Về tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em gây bất an, bức xúc dư luận thời gian gần đây, để phòng chống, ngăn ngừa, giảm thiểu, Sở tiếp tục tăng cường phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Trong tháng 6 - 7, Sở sẽ phối hợp với Tỉnh đoàn, Sở GD&ĐT tổ chức 22 buổi truyền thông về phòng chống xâm hại, bạo lực đối với trẻ em, phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em.
Sở cũng đã hướng dẫn các địa phương tổ chức Diễn đàn trẻ em cấp huyện trong Tháng hành động vì trẻ em. Đồng thời phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức Diễn đàn trẻ em cấp tỉnh từ ngày 27 - 28.6 với chủ đề “Trẻ em với các vấn đề về trẻ em”; sau Diễn đàn cấp tỉnh, sẽ chọn trẻ em tham gia Diễn đàn trẻ em cấp quốc gia tổ chức tại Hà Nội trong tháng 8.2019.
* Chăm sóc, bảo vệ trẻ em nghèo, trẻ em DTTS nói riêng, mọi trẻ em nói chung là trách nhiệm của toàn xã hội và mang tính chiến lược, lâu dài. Bên cạnh đợt cao điểm nhân Tháng hành động, ông có thể chia sẻ về những chương trình, kế hoạch dài hơi cho công tác này trên địa bàn tỉnh?
- Toàn tỉnh sẽ tập trung thực hiện hiệu quả, phấn đấu đạt mục tiêu của Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh giai đoạn 2011 - 2020, Chương trình bảo vệ trẻ em tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Trong năm 2019, phấn đấu duy trì 100% số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em; giảm tỉ lệ trẻ em có HCĐB xuống dưới 3% so với tổng số trẻ em. Trẻ em có nguy cơ rơi vào HCĐB được quản lý và có các biện pháp can thiệp, trợ giúp kịp thời. Đẩy mạnh quan tâm chăm sóc, bảo vệ trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em đồng bào DTTS vì đây là nhóm có nguy cơ cao dễ rơi vào HCĐB. Phấn đấu có ít nhất 87% trở lên trẻ em có HCĐB được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển.
Tiếp tục tạo môi trường thuận lợi và nâng cao năng lực cho trẻ em nói chung và trẻ em hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS nói riêng được thực hiện quyền tham gia vào các vấn đề liên quan đến trẻ em theo quy định của pháp luật và Công ước của Liên hiệp quốc về quyền trẻ em.
* Xin cảm ơn ông!
SAO LY (Thực hiện)