Viện KSND tỉnh tổ chức phiên tòa giả định trực tuyến: Hoạt động nghiệp vụ bổ ích
Ngày 30.5, lần đầu tiên Viện KSND tỉnh tổ chức phiên tòa giả định trực tuyến đến 11 điểm cầu viện KSND cấp huyện, thị xã, thành phố. Ðây thực sự là hoạt động nghiệp vụ bổ ích dành cho kiểm sát viên.
Quang cảnh phiên tòa giả định.
Phiên tòa giả định này dựa theo nội dung của một vụ án có thật đã được xét xử phúc thẩm. Cụ thể, do mâu thuẫn từ trước, nên sau khi bị Lê Văn Ghi dùng đèn pin đánh vào mặt, Nguyễn Ngọc Tân đã chạy xe về nhà rủ anh ruột là Nguyễn Ngọc Trầm và em ruột là Nguyễn Ngọc Trân cầm theo 2 cái rựa, 1 con dao và 1 ống tuýp sắt quay lại tìm đánh Ghi. Khi vừa đến phòng cấp cứu TTYT huyện V.T, nơi Ghi đang điều trị vết thương, cả ba anh em Tân, Trầm, Trân cầm hung khí xông vào tấn công dồn dập. Hậu quả, Ghi bị tổn thương cơ thể 54%.
Đây là vụ án có nhiều quan điểm khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Viện trưởng Viện KSND tỉnh Trần Văn Sang cho biết: “Thực tế, tội cố ý gây thương tích và giết người chưa đạt (tức bị hại chưa chết) có nhiều quan điểm khác nhau trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử. Vì vậy, chúng tôi quyết định chọn vụ án này, bởi đã được kháng nghị thành công lên tòa án cấp cao là các bị cáo phạm tội giết người chứ không phải cố ý gây thương tích như bản án sơ thẩm. Phiên tòa giả định này là để các kiểm sát viên (KSV) cùng nhau nâng cao khả năng tranh tụng, tự đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ để không chỉ làm tốt vai trò giữ quyền công tố tại tòa mà còn thực hiện được vai trò kiểm sát hoạt động xét xử của hội đồng xét xử”.
Có thể nói, các thành viên tham gia phiên tòa giả định đã thể hiện tốt từng vai trò; từ chủ tọa phiên tòa, luật sư đến bị cáo. Với quan điểm, hành vi của các bị cáo thể hiện bản chất hung hãn, côn đồ; các bị cáo sử dụng dao, rựa và ống tuýp sắt là những hung khí nguy hiểm đánh vào đầu, thái dương là những vùng trọng yếu của cơ thể; việc nạn nhân không chết là do được cấp cứu kịp thời và nằm ngoài ý muốn của các bị cáo. Vì vậy, vị đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa giả định đã buộc các bị cáo phạm tội giết người, theo điểm n khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Phiên tòa thực sự sôi nổi ở phần tranh tụng giữa đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa với các thành viên ở từng điểm cầu với vai trò là người bào chữa, luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các bị cáo. Các luật sư cho rằng, các bị cáo chỉ phạm tội cố ý gây thương tích và hành động vì bức xúc khi bị nạn nhân thách thức. Có thể nói, “các vai” đã cơ bản thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình trong phản biện. Tham gia với vai trò là luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo, KSV Phan Tiến Lực (Viện KSND TP Quy Nhơn) cho rằng: “Hoạt động bổ ích này không chỉ giúp nâng cao nghiệp vụ tranh tụng mà còn giúp KSV nắm bắt kịp thời các điểm mới của luật hiện hành, từ đó áp dụng vào công tác chuyên môn của mình”.
Có thể thấy, việc nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử của KSV bằng việc tổ chức thường xuyên các phiên tòa rút kinh nghiệm, hay như phiên tòa giả định lần này là một giải pháp hữu hiệu. Viện trưởng Viện KSND tỉnh Trần Văn Sang khẳng định: “Đây là một biện pháp tự đào tạo, góp phần quan trọng tạo nên những chuyển biến tích cực về chất lượng công tác tranh tụng của KSV tại phiên tòa, nhằm nâng cao hiệu quả công tác giải quyết các vụ án hình sự, dân sự nói chung”.
K.ANH