Ca kịch bài chòi Bình Định “gặt hái” thành công
Tại Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2019 vừa diễn ra tại tỉnh Thanh Hóa, Ðoàn Ca kịch bài chòi Bình Ðịnh đã ghi dấu ấn với bảng thành tích khá ấn tượng.
Tham gia Liên hoan, có 11 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp với 16 vở diễn (gồm 9 vở tuồng, 7 vở dân ca kịch); trong 2 vở diễn đạt HCV, vở “Chói rạng sơn hà” (tác giả: Nguyễn Sỹ Chức, đạo diễn: NSND Hoài Huệ, âm nhạc: NSƯT Đinh Văn Nhân) của Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định xuất sắc là vở diễn đứng đầu.
Một cảnh trong vở diễn “Chói rạng sơn hà” xuất sắc đoạt HCV tại Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2019.
Trong khoảng 30 năm gần đây, Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định chỉ có 2 HCV ở sân chơi đẳng cấp quốc gia ở 2 vở diễn: “Đồng tiền vạn lịch” (năm 1990) và vở “Huyền Trân công chúa” (năm 1995). Bẵng đi một thời gian khá dài, mãi đến năm 2013, vở “Khúc ca bi tráng” đem về cho Đoàn HCV tại cuộc thi Nghệ thuật Sân khấu Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc. Và nay, với vở “Chói rạng sơn hà” tên của Đoàn một lần nữa lại được xướng lên ở vị trí vinh dự nhất. Vở diễn này còn mang lại cho đoàn kỷ lục về giải thưởng cá nhân.
“Chói rạng sơn hà” lấy bối cảnh lúc triều đại Tây Sơn bắt đầu suy tàn, nội bộ mâu thuẫn, gian thần lộng hành. Dầu vậy, ở đó, những anh hùng, dũng tướng triều Tây Sơn như: Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng vẫn một lòng kiên trung, dệt nên những trang sử đẹp.
“Nếu sử dụng những hình ảnh tượng trưng theo lối mòn thì có lẽ vở diễn đã không được đánh giá cao. Ðể tỏa rạng âm vang hào khí Tây Sơn, trong vở diễn chúng tôi sử dụng dàn trống đại, vừa để dẫn chuyện vừa tham gia tình huống kịch, và xử gian thần cũng bằng tiếng trống”.
NSND Hoài Huệ, Trưởng Ðoàn Ca kịch bài chòi Bình Ðịnh
NSND Hoài Huệ, Trưởng Đoàn Ca kịch bài chòi, đạo diễn vở diễn, chia sẻ: Đây không phải là kịch bản mới, dù vậy, chúng tôi đã làm mới theo cách riêng. Nếu sử dụng những hình ảnh tượng trưng theo lối mòn thì có lẽ vở diễn đã không được đánh giá cao. Để tỏa rạng âm vang hào khí Tây Sơn, trong vở diễn chúng tôi sử dụng dàn trống đại, vừa để dẫn chuyện vừa tham gia tình huống kịch, và xử gian thần cũng bằng tiếng trống. Ngoài ra, chúng tôi còn sử dụng bức phù điêu cao 5 m, dài 12 m để cùng với tiếng trống, những anh hùng sẽ bước ra từ tấm phù điêu, kể lại câu chuyện với hào khí oai hùng, bi tráng.
Ở một số kỳ liên hoan trước, đơn cử như lần gần đây nhất là năm 2018, vở diễn “Chuyện tình làng võ” của Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định cũng được đánh giá cao, tuy nhiên cũng không ít nhận xét, góp ý có tính cảnh báo về lối diễn lai cải lương, phai nhạt một phần chất đặc trưng của ca kịch bài chòi Bình Định. Lắng nghe ý kiến đóng góp và nghiêm túc đánh giá lại toàn diện, cả lãnh đạo Đoàn và các nghệ sĩ tích cực tiếp thu. Nhờ đó, vở “Chói rạng sơn hà” đã trở về thuần chất bài chòi, được dàn dựng đậm chất ca kịch bài chòi Bình Định.
Từ vở diễn “Chói rạng sơn hà” có thể thấy, những diễn viên đàn anh, đàn chị như: Băng Châu, Phương Phú, Hoài Tâm vốn đã đằm sâu, tạo được dấu ấn với nhiều thành công trước đó, thì nay, họ tiếp tục khẳng định sự trưởng thành của mình. Điểm đáng mừng hơn với Đoàn là sự xuất hiện của những diễn viên khá trẻ, như: Sử Thành Việt, Bích Lĩnh, Hồ Điệp; dù mỗi diễn viên chỉ xuất hiện trong một màn, nhưng họ đã tạo được ấn tượng tốt. Bên cạnh đó, những cống hiến thầm lặng của nhạc sĩ, biên đạo múa, thiết kế mỹ thuật, thực hiện mỹ thuật... đã giúp cho vở diễn chỉn chu, chói rạng trong Liên hoan.
Có lần NSND Hoài Huệ tâm sự, sẽ không có một tập thể mạnh nếu không có những cá nhân mạnh. Chuẩn bị cho Liên hoan này, toàn bộ ê-kip đã nỗ lực rất nhiều, toàn bộ có nghĩa là cả những người không lên sân khấu, những người thuộc bộ phận phục vụ. Nhờ vậy, ngoài giải vàng của vở diễn, đây là lần đầu tiên Đoàn có tới 3 diễn viên đoạt HCV cá nhân, 4 HCB cá nhân, giành luôn giải Đạo diễn xuất sắc, Tác giả xuất sắc, Họa sĩ xuất sắc. Ai cũng biết, giải thưởng không phải là tất cả, nhưng nó vừa tạo động lực sáng tạo nghệ thuật, vừa đặt những cột mốc cho nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ.
THẢO KHUY