CUỘC THI VIẾT TIẾNG ANH DO HỌC VIỆN CHISHOLM (ÚC) TỔ CHỨC:
Câu chuyện của chàng sinh viên đến từ vùng đất đỏ Tây Nguyên
Vượt qua 700 sinh viên đến từ 25 trường đang tổ chức đào tạo thí điểm 12 nghề trọng điểm quốc tế trong cả nước, Trần Mạnh Ðạt (22 tuổi, sinh viên lớp cơ điện tử quốc tế Trường CÐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn) giành giải Nhất cuộc thi viết Tiếng Anh do Học viện Chisholm tổ chức.
Với dáng vẻ thật thà, Trần Mạnh Đạt tiết lộ với tôi rằng: Tiếng Anh hoàn toàn không phải là thế mạnh của em. Và nam sinh viên từng chỉ được 2,5 điểm trong bài thi tiếng Anh tốt nghiệp THPT quốc gia. Vậy, điều gì đã giúp Đạt đạt được thành tích này?
Chuyên gia nghề cơ điện tử của Học viện Chisholm trao giải Nhất cho Đạt trong chuyến công tác tại Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn.
Ngoại ngữ là nỗi sợ của không ít sinh viên trường nghề. Đạt cũng vậy. Để đạt chuẩn tiếng Anh đầu vào của lớp cơ điện tử quốc tế, Đạt đã ôn luyện, “cày bừa” hơn nửa năm. Tiếng Anh của em đã được cải thiện đáng kể. Thế nhưng, thuyết phục ban giám khảo hơn cả là câu chuyện và những thông điệp Đạt gửi gắm trong bài dự thi. Chủ đề cuộc thi là “My life - My stories” (tạm dịch: Cuộc sống của tôi - Những câu chuyện của tôi). Đạt đã mang câu chuyện về hành trình trưởng thành, vượt ra khỏi vùng đất đỏ quê mình (huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai) để tìm kiếm ước mơ, vẽ ra con đường nghề nghiệp tương lai của mình.
Từ nhỏ, Đạt đã có hứng thú với máy móc. Lên cấp hai, Đạt rời nhà đi học xa, tự lập sớm. Từ cấp 3, cậu đã xin theo chân các thầy cô giáo vào tận những vùng sâu nhất của huyện mình để vận động các em nhỏ đến lớp. Tiếp xúc với các em nhỏ, thấy được cái khó khăn ở nơi heo hút, nghèo khó, em hiểu rằng mình may mắn vì được đi nhiều hơn, đi xa hơn các em.
“Bằng những trải nghiệm ít ỏi của mình, em kể cho những đứa trẻ ở đó nghe về những ngôi nhà cao bằng cái cây trên rừng, về biển, về những con đường trải nhựa... với mong muốn những hình ảnh đó sẽ khơi dậy khao khát học tập của các em, để các em dám đi xa hơn, thay đổi nhiều thứ hơn. Chính em, thời điểm đó cũng hiểu rằng: nếu em chỉ biết hướng về những vùng đất hiện đại, phát triển mà không biết lùi về phía sau một chút, về những mảnh đất cách trở, khó khăn ở ngay quê nhà thì hành trình trải nghiệm, khôn lớn của mình sẽ ít ý nghĩa, ít tròn trịa”, Đạt tâm sự.
Trong bài viết, Đạt còn gửi gắm những thông điệp tích cực mà mình học được. Đó là ý nghĩ: chỉ cần mình cố gắng hết sức, giữ được sự nhiệt tình với những gì mình làm, cơ hội sẽ luôn có. Bằng ý nghĩ này, Đạt đang cùng với các bạn trong lớp chạy đua với chương trình học và thực hành theo chương trình chuyển giao của Học viện Chisholm để trở thành thế hệ tay nghề trình độ quốc tế đầu tiên vào cuối năm 2019. Để rồi sau đó, tiếp tục ước mơ được đi xa, được nhìn thấy thế giới rộng lớn, phát triển.
AN PHƯƠNG