Giáo dục - Đào tạo nghề: Ðầu tư cho ngành, nghề trọng điểm
Ðầu tư cho ngành, nghề trọng điểm trong giai đoạn 2016 - 2020 là chủ trương nhằm nâng cao chất lượng, góp phần thay đổi nhận thức của cộng đồng về giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh điểm sáng về đầu tư cho ngành, nghề trọng điểm, Bình Ðịnh đã thực hiện các bước điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.
Điểm sáng
Từ năm 2016 đến năm 2019, Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn là một điểm sáng trong số 3 trường của Bình Định được chọn đầu tư, nâng cao chất lượng ngành, nghề trọng điểm. Trường có 7 nghề được chọn đầu tư trọng điểm: 3 nghề cấp độ quốc tế (cơ điện tử, điện công nghiệp và điện tử công nghiệp), 2 nghề cấp độ khu vực ASEAN (hàn, cắt gọt kim loại) và 2 nghề cấp độ quốc gia (công nghệ ô tô và công nghệ thông tin).
Sinh viên lớp thí điểm nghề cơ điện tử (do Học viện Chisholm (Úc) chuyển giao) thực hành bên những thiết bị hiện đại, quy mô.
Từ năm 2016 đến năm 2018, trường được phân bổ kinh phí để mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ đào tạo cho các nghề cấp độ quốc tế, tập trung vào 2 nghề: cơ điện tử và điện tử công nghiệp với tổng số tiền 26 tỉ đồng. Hai nghề trọng điểm quốc tế này đang sở hữu bộ máy móc, thiết bị hiện đại, đáp ứng hơn 90% danh mục thiết bị theo chương trình đào tạo. Ông Trần Hiếu Nghĩa, Trưởng khoa Điện tử - Tin học nhà trường, cho biết: “Hệ thống thiết bị phục vụ đào tạo hiện đại, đáp ứng yêu cầu đề ra của chương trình do Học viện Chisholm (Úc) chuyển giao. Một số thiết bị còn thiếu là những thiết bị có thể tận dụng, sử dụng chung với khoa cơ khí nhằm tiết kiệm ngân sách”.
Năm 2019, Trường tiếp tục được phân bổ 8 tỉ đồng để đầu tư cho các nghề trọng điểm khác như: điện công nghiệp, công nghệ ô tô, hàn, cắt gọt kim loại. Ông Phạm Văn Tường, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn cho biết: “Danh mục thiết bị đầu tư cho các nghề trọng điểm đều do các khoa đề xuất về. Bám theo danh mục này để đảm bảo tính thực tiễn, tránh tình trạng “đắp chiếu” thiết bị sau khi mua sắm, lắp đặt”.
Phòng thực hành của nghề điện tử công nghiệp (do Học viện Chisholm (Úc) chuyển giao) hiện đã đáp ứng được hơn 90% danh mục thiết bị theo chương trình đào tạo.
Đầu tư cho nghề trọng điểm không dừng lại ở trang thiết bị, cơ sở vật chất mà còn là đầu tư về đội ngũ giáo viên, về chương trình, giáo trình và cả “đầu ra” cho sinh viên. Bên cạnh việc bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, xây dựng chương trình đào tạo, Trường đã ký bản ghi nhớ, thỏa thuận với 25 DN từ Huế vào TP Hồ Chí Minh tạo việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp. Theo báo cáo của trường, trung bình tuyển sinh đều trên 1.200 sinh viên; tỉ lệ sinh viên có việc làm sau 6 tháng tốt nghiệp trung bình 84%.
Điều chỉnh, bổ sung
Theo Quyết định 1836/QĐ-LĐTBXH ngày 27.11.2017 của Bộ LĐ-TB&XH, Bình Định còn có hai trường khác được lựa chọn đầu tư nghề trọng điểm cấp độ quốc gia. Đó là Trường Trung cấp nghề Thủ công mỹ nghệ Bình Định với nghề gia công và thiết kế sản phẩm mộc, nghề cấp, thoát nước và Trường Trung cấp Kỹ thuật công nghệ Hoài Nhơn (trước là Trường Trung cấp nghề Hoài Nhơn) với nghề chế biến, bảo quản thủy sản, nghề công tác xã hội.
Năm 2019, Trường Trung cấp nghề Thủ công mỹ nghệ Bình Định và Trường Trung cấp Kỹ thuật công nghệ Hoài Nhơn sáp nhập vào Trường CĐ Bình Định theo Quyết định 4790 của UBND tỉnh. “Sở LĐ-TB&XH đã đề nghị UBND tỉnh có văn bản gửi Bộ LĐ-TB&XH xem xét, phê duyệt, bổ sung Trường CĐ Bình Định được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; đề nghị đưa ra khỏi danh sách trường được đầu tư ngành, nghề trọng điểm đối với Trường Trung cấp Kỹ thuật công nghệ Hoài Nhơn và Trường Trung cấp Thủ công mỹ nghệ Bình Định. Trước đó, Sở đã đề nghị Bộ LĐ-TB&XH xem xét, bổ sung Trường CĐ Y tế Bình Định được lựa chọn đầu tư ngành, nghề trọng điểm đến năm 2020, định hướng 2025”, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết.
Để phù hợp với nhu cầu tay nghề hiện tại và thời gian đến, Sở LĐ-TB&XH đã đề xuất điều chỉnh, bổ sung thêm một số ngành, nghề trọng điểm. Cụ thể, Trường CĐ Y tế Bình Định sẽ bổ sung 2 ngành, nghề trọng điểm: ngành điều dưỡng cấp độ khu vực ASEAN, ngành dược sĩ cao đẳng cấp độ quốc gia. Trường CĐ Bình Định tiếp nhận nghề chế biến và bảo quản thủy sản cấp độ quốc gia từ Trường Trung cấp Kỹ thuật công nghệ Hoài Nhơn và bổ sung thêm 4 ngành, nghề: hướng dẫn du lịch cấp độ quốc tế; quản trị khách sạn và kỹ thuật chế biến món ăn cấp độ khu vực ASEAN; nghệ thuật biểu diễn dân ca ở cấp độ quốc gia.
Từ những điều chỉnh, bổ sung này, nhiều ngành, nghề trọng điểm mới, phù hợp với nhu cầu thực tiễn sẽ được đầu tư, nâng cấp trong thời gian đến.
NGUYỄN MUỘI