Hành vi hát karaoke gây ồn: Cần mạnh tay xử phạt
Bất cứ lúc nào, giờ nghỉ trưa, buổi tối, dịp lễ, tết hay khi nhà ai đó có tiệc tùng, hàng xóm xung quanh đều có thể bị “tra tấn” bởi các “ca sĩ” hát karaoke với loa di động công suất lớn. Cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần mạnh tay chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm này.
Hát karaoke là thú vui của nhiều gia đình mỗi dịp lễ, tết, tiệc tùng. Hiện nay, hình thức giải trí này trở nên phổ biến hơn khi chỉ cần bỏ ra vài triệu đồng là có thể sở hữu một chiếc loa “kẹo kéo”, thậm chí chỉ vài trăm ngàn đồng để thuê dàn karaoke di động tổ chức hát hò tại nhà, bất kể giờ giấc.
Thời gian qua, nhiều người sử dụng dàn karaoke, với loa công sức lớn tổ chức hát hò làm ảnh hưởng đến nhiều người.
- Trong ảnh: Người dân khu vực Liêm Trực, phường Bình Định (TX An Nhơn) tổ chức hát karaoke ngay trên đường bê tông của xóm. (Ảnh cắt từ video ngày 13.5.2019).
Phản ánh về tình trạng trên, chị Nguyễn Thị Liễu (ở KV 1, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn), bức xúc: “Gia đình tôi sống trong con hẻm nhỏ, nhà san sát nhau, vậy mà có một hộ trong khu vực thường xuyên tổ chức nhậu nhẹt, rồi mở karaoke hát từ sáng đến đêm khuya. Khu phố thì chật chội mà âm thanh từ loa công suất lớn liên tục phát ra làm đinh tai, nhức óc. Tôi cũng như những nhà xung quanh đã qua nói chuyện mấy lần nhưng họ cứ bảo “tôi hát trong nhà tôi, ảnh hưởng đến ai”. Nhiều lúc chúng tôi quá bức xúc muốn làm lớn chuyện nhưng sợ xảy ra hậu quả đáng tiếc nên đành chịu trận”.
Theo ông Trần Việt Quang, Chủ tịch UBND phường Đống Đa (TP Quy Nhơn), tình trạng hát karaoke trong khu dân cư trên địa bàn phường rộ lên trong năm 2018, đến nay có hướng giảm. Qua các cuộc họp dân, tiếp xúc với đại biểu HĐND các cấp, người dân có phản ảnh tình trạng này, phường đã chỉ đạo lực lượng CA phường tăng cường kiểm tra, xử lý nhưng chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở là chính.
Ông Lê Văn Hùng, ở xã Phước Hiệp (Tuy Phước), cho biết: “Thời gian gần đây, tình trạng hát karaoke với loa công suất lớn ngày càng nhiều ở khu vực nông thôn, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sinh hoạt, học tập của người dân, vậy mà không thấy cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương xử lý gì cả”.
Pháp luật đã có những quy định và chế tài hết sức cụ thể, rõ ràng cho việc kiểm soát và xử lý tiếng ồn ở khu dân cư. Thế nhưng, ở nhiều khu dân cư, tình trạng hát karaoke cả ngày lẫn đêm với âm thanh cực khủng như tra tấn người khác vẫn diễn ra thường xuyên. Phải chăng là do biện pháp hành chính chưa đủ mạnh, hay bởi các đơn vị thực thi vẫn còn đang loay hoay?
Ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch UBND xã Phước Hiệp (Tuy Phước), thừa nhận: “Tình trạng hát karaoke trong khu dân cư đang xảy ra khá nhiều trên địa bàn, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nhưng chính quyền địa phương lúng túng trong việc xử lý. Nhiều trường hợp tổ chức hát karaoke kéo dài đến 23 - 24 giờ, làm ảnh hưởng cả xóm. Trước tình trạng này, thời gian qua chính quyền địa phương chỉ biết thông qua họp khu dân cư, các hội, đoàn thể để tuyên truyền, vận động người dân chấp hành là chính”.
Ông Tô Hồng Phương, Trưởng Phòng VH&TT, TX An Nhơn, cho hay: Trước phản ánh của người dân về tình trạng karaoke di động diễn ra thường xuyên, với tần suất, mật độ ngày càng dày, gây ồn, làm mất ANTT, UBND thị xã đã có văn bản chỉ đạo cơ quan liên quan và UBND các xã, phường chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động này, hạn chế ảnh hưởng ở mức thấp nhất đến mọi sinh hoạt trong cộng đồng dân cư, đảm bảo ANTT trên địa bàn.
Trước tình trạng trên, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, ngoài việc tăng cường tuyên truyền, vận động, cần thực hiện các biện pháp chế tài, xử lý nghiêm minh. Việc này không chỉ để bảo vệ quyền lợi của người dân mà còn là xây dựng đời sống văn hóa, lối sống văn minh, vui nhưng phải tôn trọng người khác.
Theo quy định tại Nghị định 167/2013/NÐ-CP thì hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau là hành vi vi phạm quy định về bảo đảm sự yên tĩnh chung và bị xử phạt từ 100 - 300 nghìn đồng. Ngoài ra, nếu hành vi sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt gây ra tiếng ồn vượt quá giới hạn cho phép theo Nghị định 179/2013/NÐ-CP (quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường), thì mức phạt thấp nhất là 5 triệu đồng, cao nhất là 160 triệu đồng.
PHẠM PHƯƠNG